Đầu tàu công nghiệp sản xuất và xuất khẩu
Cuối năm 2019, tại cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) đã tổ chức bàn giao 15 xe bus thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines. Đây là lô hàng thương mại đầu tiên của THACO sau hơn 16 năm đầu tư và phát triển trong ngành ô tô Việt Nam. Đến nay, THACO là nhà sản xuất xe bus với các sản phẩm đa dạng, được thiết kế theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng và đã cung cấp cho thị trường hơn 17 nghìn xe bus, chiếm 65% thị phần. Với việc xuất khẩu 15 xe bus thương hiệu THACO đầu tiên cho đối tác Autodelta để phục vụ thị trường Philippines và ký kết kế hoạch xuất khẩu sang Philippines trong năm 2020 là 200 xe bus là dấu mốc cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đồng thời tiếp tục khẳng định sự thành công vang dội của doanh nghiệp khi chọn Núi Thành để làm ăn lâu dài. Tại sự kiện này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO cho biết, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục tiêu gia tăng thị phần trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, THACO sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng Khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai - Quảng Nam có quy mô ngang tầm và cạnh tranh được trong khu vực ASEAN.
Bí thư huyện ủy Núi Thành, ông Nguyễn Tri Ấn, chia sẻ: Từ ngày Khu kinh tế mở Chu Lai đi vào hoạt động đến nay, Núi Thành không ngừng thay đổi. Kinh tế huyện tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 ước đạt 99.780 tỷ đồng, tăng gần 23 % so với năm 2018, trong đó ngành công nghiệp xây dựng ước đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, thương mại dịch vụ đạt gần 7.130 tỷ đồng. Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: Cảng Kỳ Hà, Sân bay Chu Lai, Cảng Trường Hải và các tuyến đường huyết mạch kết nối với Quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng kiên cố, không những tạo điều kiện cho nhà đầu tư, mà còn tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất. Các dự án đầu tư vào địa bàn huyện ngày càng nhiều đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Núi Thành khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định đưa địa phương phát triển thành huyện công nghiệp vào năm 2020, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp- thương mại – dịch vụ đã đem lại kết quả khả quan. Núi Thành hiện có 4 khu công nghiệp (KCN), gồm KCN Bắc Chu Lai, KCN hậu cần – Cảng Tam Hiệp, KCN Tam Anh, KCN khí – năng lượng, trong đó có 2 KCN đã có nhà đầu tư hoạt động (là KCN Bắc Chu Lai, KCN hậu cần – Cảng Tam Hiệp) và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; hai KCN còn lại đang đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Các KCN nầy hiện nay do Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai trực tiếp quản lý với nhiều chủ đầu tư cơ sở hạ tầng để cho thuê lại hạ tầng trong các KCN. Riêng ngành sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp do huyện Núi Thành quản lý gồm có 3 Cụm công nghiệp Nam Chu Lai, Cụm công nghiệp Trảng Tôn và Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây, trong đó có 2 Cụm đã đi vào hoạt động là Cụm công nghiệp Nam Chu Lai và Cụm công nghiệp Trảng Tôn, thu hút hàng chục doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Đột phá phát triển từ hướng biển
Kỳ vọng về sự đột phá phát triển từ hướng biển, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Từ năm 2011, huyện Núi Thành đã chú trọng phát triển kinh tế thủy sản và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, nhờ đó ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhảy vọt, trở thành địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Toàn huyện hiện có 2.310 chiếc tàu các loại, trong đó có 355 tàu cá công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV, 206 chiếc có công suất từ 400CV đến 1.100 CV chuyên hành nghề dài ngày ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống. Trong năm 2019, ngư dân huyện Núi Thành phấn đấu khai thác lượng hải sản đạt trên 3.050 tỷ đồng, trong đó giá trị đánh bắt thủy sản đạt gần 1.800 tỷ đồng với tổng sản lượng thủy sản hơn 52.500 tấn, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18.000 lao động. Kinh tế biển đã và đang thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh cho biết thêm: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức Tổ đoàn kết để làm ăn trên biển để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Cứ 3 phương tiện thì thành lập một tổ đoàn kết. Thực tế là các tổ đội đã hoạt động khá hiệu quả trong việc giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình làm ăn trên biển. Mặt khác, các tổ đội đoàn kết làm ăn trên biển còn kịp thời cung cấp nhiều thông tin có giá trị để các cơ quan chức năng kịp thời đưa ra các biện pháp đấu tranh thích hợp nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Ông Nguyễn Tri Ấn nhấn mạnh: Để đột phá từ hướng biển, huyện Núi Thành đang tiếp tục ưu tiên phát triển đa dạng các ngành có thế mạnh nhằm tạo nên chuỗi gía trị gia tăng. Đột phá từ hướng biển không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển mà còn phải đầu tư, phát triển cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá gắn với chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của từng chuyến biển, khai thác không gian biển đảo trở thành sản phẩm du lịch. Với những lợi thế của mình, biển đảo Quảng Nam nói chung và Núi Thành nói riêng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Tạo được sự đột phá phát triển bền vững từ hướng biển đối với các ngành kinh tế có thế mạnh, cải thiện sinh kế gắn với nâng cao thu nhập, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là động lực để Núi Thành thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn phát triển mới.
Liên kết gắn với khai thác bền vững các giá trị văn hóa
Tạo mối liên kết bền vững, từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ và khai thác bền vững các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm nâng cao chuỗi giá trị của từng sản phẩm du lịch để ngành công nghiệp không khói này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực để Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực của huyện Núi Thành trong những năm đến.
Là địa phương có bờ biển dài, có đảo ngọc Tam Hải giàu tiềm năng chưa được đánh thức, sở hữu nhiều tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển đảo gắn liền với sự đa dạng văn hóa của cộng đồng cư dân ven biển, Bí thư huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho biết: Bảo tồn các hệ sinh thái biển, môi trường biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo Tam Hải – tuyến đê chắn tự nhiên trên biển là những ưu tiên hành đầu trong định hướng phát triển về phía biển của địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Núi Thành đã từng bước thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch khu bảo tồn biển và rừng ngập mặn, phối hợp với tỉnh và các bộ ngành trung ương xúc tiến việc thành lập công địa chất toàn cầu. Đối với đảo Tam Hải là một trong 3 điểm đến của tam gíac biển đảo Cù Lao Chàm- Tam Hải- Lý Sơn, huyện Núi Thành đã từng bước xây dựng nơi đây trở thành hòn đảo du lịch với kết cấu hạ tầng đồng bộ để vừa khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo, vừa bảo tồn được hệ sinh thái biển, bảo tồn các địa tầng văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với cư dân miền biển, đây là cách tốt nhất để bảo vệ bãi biển và rừng phòng hộ trong đầu tư phát triển đô thị trong hiện tại và tương lai của địa phương, Bí thư huyện Núi Thành Nguyễn Tri Ấn khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, ông Ngô Đức An, chia sẻ: Tam Hải như ốc đảo ẩn mình giữa ba bề sông nước không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình mà còn lưu giữ nhiều giá trị nhân văn đậm nét của văn hóa cư dân vùng biển về lễ hội cầu ngư, nghĩa trang cá Ông với trên 500 ngôi mộ cùng các di tích lịch sử văn hóa. Biển Tam Hải là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản quý như hải sâm, tôm hùm, tôm sú, ốc hương, cá mực các loại, nhất là nơi sinh đẻ và phát triển của các loại ấu trùng tôm hùm được người dân xem như lộc trời vào mỗi dịp đầu năm. Tam Hải còn là địa phương lưu giữ được gần như nguyên vẹn các bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân miền biển. Đây là những yếu tố thuận lợi để hình thành tour du lịch kết nối giữa Cù Lao Chàm với Tam Hải và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tin rằng với chiến lược đầu tư bài bản, khai thác hợp lý và bền vững, du lịch biển đảo nói chung và sản phẩm du lịch kết nối giữa Cù Lao Chàm - Tam Hải (tỉnh Quảng Nam) với đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với các điểm đến trong khu vực sẽ mở ra một triển vọng mới cho du lịch Miền Trung cất cánh.
Đảm bảo an sinh xã hội
Đi liền với phát triển kinh tế, huyện Núi Thành luôn quan tâm lĩnh vực văn hóa – xã hội. Mạng lưới điện thắp sáng, trường học, y tế, nhà văn hóa không ngừng được đầu tư nâng cấp, đáp nhu cầu học tập, chữa bệnh và sinh hoạt của người dân. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được thường xuyên được triển khai và được người dân hưởng ứng tích cực, chất lượng các dịch vụ y tế được bảo đảm. Hiện nay, ngoài mạng lưới y tế cơ sở, Núi Thành còn có Bệnh viện Đa khoa Trung ương đóng trên địa bàn nên công việc khám và điều trị bệnh cho người dân địa phương cũng như công nhân làm việc tại các nhà máy rất thuận tiện. Trong những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Núi Thành luôn thực hiện kịp thời chế độ chính sách đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đối với những hộ gia đình nằm trong diện thu hồi đất để triển khai các dự án.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tri Ấn khẳng định, những thành tựu đạt được hôm nay, ngoài sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong huyện còn có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của tỉnh và các cơ quan Trung ương. Trong thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá gồm: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tập trung phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh thu hút các dự án lớn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị để đến năm 2020 đạt chuẩn đô thị loại IV làm cơ sở chuyển cấp hành chính từ huyện thành thị xã trong thời gian đến.