Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: Ninh Bình có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách.
Một bài toán đơn giản, chỉ cần thuyết phục số lượng khách này mua các sản phẩm OCOP đã đem lại hiệu quả rất tốt cho các chủ thể.
Vì thế, việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới, để phát triển Chương trình OCOP.
Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ lan tỏa đi nhiều nơi. Ở chiều ngược lại sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương.
Chị Mai Phương Thảo, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Trong chuyến du lịch Ninh Bình, tôi đã chọn mua đặc sản mắm tép của Gia Viễn và nem chua của Yên Mô. Sản phẩm có nhãn mác, được gắn sao OCOP rõ ràng. Không những thế, được người bán hàng nói về cách thức chế biến độc đáo, cầu kỳ, thể hiện nét văn hóa ẩm thực của địa phương, tôi và các du khách trong đoàn rất tin tưởng. Tôi mong muốn mỗi điểm đến, địa phương đều có những điểm giới thiệu về những đặc sản của địa phương để những du khách như chúng tôi hiểu, chọn mua làm quà, vì nó rất ý nghĩa".
Thực tế cho thấy, sản phẩm OCOP và du lịch của Ninh Bình còn nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để các chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác, góp phần chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tập trung đào tạo, kiến thức kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể, hỗ trợ, hình thành các dòng sản phẩm làm quà biếu, tặng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại các làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh.