Những thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Tại Bắc Ninh, tổ chức Đoàn thanh niên đã đồng hành, hỗ trợ cùng thanh niên vượt khó, nhờ vậy, nhiều mô hình phát triển, trở thành động lực, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở nông thôn. 

Những năm qua, rất nhiều bạn trẻ đã quyết định rời phố thị, trở về quê hương khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây được coi là một trong những xu hướng sống mới tích cực của giới trẻ, với khao khát mang tri thức về góp phần xây dựng quê hương.

Tại Bắc Ninh, tổ chức Đoàn thanh niên đã đồng hành, hỗ trợ cùng thanh niên vượt khó, nhờ vậy, nhiều mô hình phát triển, trở thành động lực, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở nông thôn. 

Anh Vũ Quang Đạo, sinh năm 1993, thôn Ngô Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, sau khi tốt nghiệp đại học, trở về địa phương, đã xung phong đi nghĩa vụ quân sự. Rời quân ngũ, anh Đạo trở về quê, tìm hướng phát triển kinh tế, khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Theo anh Vũ Quang Đạo, hiện nay có nhiều thanh niên khởi nghiệp sáng tạo bằng cách làm nông nghiệp, từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hay, sáng tạo. Tuy nhiên, ở Đại Lai, hầu hết mọi người sản xuất, kinh doanh theo hướng truyền thống, nên hiệu quả kinh tế không cao.

Tận dụng diện tích đất của gia đình khoảng 7.000 m2, cuối năm 2020, anh Đạo dành 1 nửa diện tích đào ao, thả cá, số còn lại trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Bắt tay vào thực hiện ước mơ khởi nghiệp, anh Đạo đã tìm đến kênh vay vốn khởi nghiệp của thanh niên. Cùng với đó, anh Đạo mua 70 con dúi, 1.000 con thỏ và tập trung xây dựng chuồng trại mất 300 triệu đồng. Ngoài ra, để lấy thức ăn cho thỏ và dúi, anh Đạo trồng thêm mía, rau và nuôi giun.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi thỏ, nhím của anh Vũ Quang Đạo.

Với sự kiên trì, tỷ mỉ từ khâu chọn giống, chăm sóc, đến nay, sau 3 tháng, rúi đến thời điểm sinh sản và thỏ đạt được xuất bán. Mỗi năm, anh xuất ra thị trường hàng nghìn con thỏ và hàng trăm con rúi, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Cũng như anh Đạo, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, do anh Nguyễn Thanh Liêm, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, làm Giám đốc, đã mang lại hiệu quả và là niềm mơ ước của người nông dân với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Thành công của anh Liêm là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất, chứng tỏ sự tìm tòi, sáng tạo trong phát triển kinh tế của thanh niên.

Năm 2015, anh Liêm đã quyết định bỏ công việc ổn định, trở về làng làm nông nghiệp. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, anh Liêm cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, anh xin vào làm việc tại một công ty về sản xuất thực phẩm sạch ở Hà Nội để tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, anh nhận thấy nông dân canh tác theo phương thức truyền thống, phương pháp canh tác lạc hậu, thiếu khoa học, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền miệng mà không có quy trình kiểm soát sâu bệnh, phân bón với các loại cây trồng.

Do đó, hiệu quả kinh tế thấp, sản phẩm làm ra không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị kinh tế thấp, không có tính bền vững. Từ thực tế này, anh Liêm đã quyết định về quê để sản xuất nông nghiệp sạch. Để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, anh đã cải tạo lại khu trang trại hơn 1,3 ha của gia đình.

Sau gần 1 năm đầu tư, thuê máy móc cải tạo, dùng chế phẩm sinh học để xử lý đất, anh Liêm chia thành 3 khu sản xuất, trong đó, 2.000m2 ao vừa nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm, chép vừa trữ nước tưới rau; chuồng trại chăn nuôi bò, gà và phần lớn diện tích trồng rau sạch.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Thanh Liêm, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chăm sóc vườn cây ăn quả.

Dù có nhiều kiến thức về trồng trọt nhưng ban đầu anh Liêm gặp nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm các loại cây trồng. Một phần do chưa quen với các giống mới, phần khác vì trồng các loại rau ngắn ngày nên hiệu quả kinh tế không cao.

Không nản chí, năm 2017, anh Liêm huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 700m2 nhà lưới, trồng 2.200 cây cà chua, hơn 3.000 cây dưa chuột, dưa lê trái vụ và một số loại cây ăn quả theo hướng công nghệ cao. Mô hình này đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa. Cũng từ đây, anh được biết đến kênh khởi nghiệp từ vốn vay thanh niên và mạnh dạn vay vốn đầu tư.

Từ thành công ban đầu, năm 2017, anh Liêm đã liên kết với 7 hộ dân trong xã để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, trên diện tích 5ha. Theo anh Liêm, việc thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết được bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng dưa lưới, dưa chuột và cà chua, năm 2020, anh Liêm đã trồng thử nghiệm gần 100 gốc nho xanh và nho tím không hạt. Sau 6 tháng trồng, nho đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công ban đầu, năm 2021, Hợp tác xã của anh đã mở rộng diện tích, trồng thêm 1.500 gốc nho gồm nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với quy mô 3 trang trại, tổng diện tích 3.500 m2 nhà màng. Đến nay, mô hình của anh mang lại lợi nhuận cao, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động.

Với vai trò là bà đỡ, điểm tựa cho thanh niên khởi nghiệp, những định hướng, hỗ trợ của tổ chức Đoàn rất quan trọng, góp phần nuôi dưỡng, đưa giấc mơ khởi nghiệp của thanh niên đi đến thành công. Nhờ vậy, thời gian qua, Bắc Ninh được đánh giá là 1 trong các tỉnh đi đầu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp trong toàn quốc.

Thanh Thương
Bắc Ninh: Tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các kênh hỗ trợ khởi nghiệp
Bắc Ninh: Tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các kênh hỗ trợ khởi nghiệp

Đến nay, phong trào thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp đã hỗ trợ 168 dự án khởi nghiệp của thanh niên, với tổng số tiền hơn 140 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN