'Cầu nối' giúp thanh niên khởi nghiệp, làm giàu

Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, những năm qua, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Từng tốt nghiệp Đại học Thương mại, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, ra trường có việc làm ổn định, thế nhưng anh Nguyễn Thế Dũng (33 tuổi, ở xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) lại quyết định gác lại sau lưng tất cả để về quê làm nông nghiệp, khiến nhiều người hết sức ngỡ ngàng.

Khởi nghiệp ở tuổi 28, anh Dũng đã chứng minh cho mọi người thấy, ước mơ khởi nghiệp không cần sớm hay muộn, mà chỉ cần đúng thời điểm. Chia sẻ về quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước, Dũng cho biết, mỗi lần về quê, nhìn thấy nhiều diện tích đất từng là cánh đồng màu mỡ nay bị bỏ hoang, anh rất xót xa và anh đã quyết định trở về để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Thế Dũng, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chăm sóc vườn cây ăn quả.

Năm 2016, anh Dũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất, với diện tích hơn 1,5 ha. Sau đó, anh đã bắt tay vào trồng những loại cây ăn quả như bưởi, cam, ổi... Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên vườn cây của gia đình bị nhiễm bệnh, khiến anh chán nản. Được sự hỗ trợ của anh rể, người có nhiều kinh nghiệm trong trồng những loại cây ăn quả, anh Dũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây. Tuy nhiên, lúc này anh Dũng lại gặp khó khăn về vốn để phát triển trang trại.

"Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, bởi các ngân hàng thương mại thường đưa ra lãi suất cao, trong khi việc đầu tư trang trại cần một khoản tiền lớn. Ngay khi biết đến nguồn vốn vay khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn hỗ trợ, ước mơ khởi nghiệp của tôi đã được chắp cánh", anh Dũng nói.

Năm 2019, anh Dũng được vay 1 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm. Có vốn trong tay, anh đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị để mở rộng diện tích trồng. Để tránh rủi ro, anh Dũng không đầu tư vào một loại cây mà trồng đa dạng các loại cây ăn quả, theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài, để trang trại của gia đình lúc nào cũng có trái cây cung cấp ra thị trường. Ngoài trồng cây ăn quả, anh Dũng kết hợp nuôi khoảng 300 cặp chim bồ câu Pháp. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Dũng còn là một Bí thư Đoàn xã năng động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Đặc biệt, anh luôn giúp đỡ thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp bền vững để các thanh niên có thêm ý chí khởi nghiệp, vươn lên làm giàu.

Cũng giống như anh Dũng, từng là kỹ sư công nghệ thông tin với mức thu nhập cao nhưng với mong muốn đưa những thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, năm 2018, anh Phạm Văn Sơn (30 tuổi, trú tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã quyết định "bỏ phố về làng" khởi nghiệp thành công với mô trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGap, tại xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Theo anh Sơn, hiện mỗi năm, cây măng tây cho 8 tháng thu hoạch, trong 8 tháng này, mỗi ngày anh thu 35 – 40 kg măng tây, với giá trung bình 50.000-55.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm anh lãi trên 200 triệu đồng, qua đó tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, năm 2020, anh Sơn đã liên hệ với Thành Đoàn Bắc Ninh để tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên, với số tiền vay là 900 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trên diện tích 1.700 m2.

Anh Sơn chia sẻ, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu trong nông nghiệp, bởi người dân ngày càng chú ý đến sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tính bền vững, hạn chế rủi ro do tác động của thời tiết, sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp.

Sau khi hệ thống nhà màng được hoàn thiện, cuối năm 2020, anh Sơn tìm hiểu và đưa dưa leo baby vào trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng 1.000 m2 và anh đã gặt hái được "trái ngọt" đầu tiên. Thu hoạch từ dưa leo baby, sau khi trừ chi phí anh còn lãi gần 40 triệu đồng. Ngoài trồng dưa leo baby, anh Sơn cũng cho trồng thử nghiệm dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới để tích lũy kinh nghiệm.

"Nhà màng có ưu điểm ngăn sự xâm nhập của các loại côn trùng gây hại, do đó quá trình trồng dưa leo baby tôi không phải sử dụng thuốc trừ sâu. Để tiết kiệm nước và chủ động việc tưới, tôi lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Với hệ thống này, tôi có thể tưới nước tự động, căn chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn phát triển của cây. Mặc dù, dưa leo baby trồng trái vụ nhưng cho năng suất cao như trồng chính vụ. Hiện tôi đang trồng thử nghiệm cà chua trái vụ trên diện tích khoảng 500 m2", anh Sơn nói.

Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp của thanh niên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm cho biết, năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 75/2017/NQ-HĐND, ngày 7/12/2017 về Quy định hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Quyết định 535/QĐ-UBND, ngày 18/4/2018 của UBND tỉnh về Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025. Với vai trò là cầu nối, những năm qua, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh thường xuyên hướng dẫn các cấp bộ Đoàn trong tỉnh rà soát, khảo sát các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên có nhu cầu vay vốn triển khai mô hình, trên cơ sở đó, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ giải ngân vốn vay cho các dự án. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong thẩm định, giải ngân vốn cho các dự án thanh niên khởi nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm ý tưởng thanh niên khởi nghiệp; trong đó có hơn 100 dự án của thanh niên được hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay của thanh niên xuất hiện, đã chứng minh sự thành công cho tinh thần xung kích đi đầu phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy chính quyền để có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh quan tâm, tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng mô hình, qua đó giúp thanh niên phát triển kinh tế làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tỉnh Đoàn Bắc Ninh cũng phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của dự án thanh niên khởi nghiệp, từ đó tạo đầu ra ổn định, chỗ đứng cho các sản phẩm đó trên thị trường...

Thái Hùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN