Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Long An

Năm 2020, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An đã triển khai thực hiện 5 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Qua đó, các mô hình đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap của hộ dân ở ấp Song Tân, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Phan Minh Hưng/TTXVN

Theo đó có 2 mô hình lúa ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường; mô hình rau ở xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc; mô hình thanh long ở xã Long Trì, huyện Châu Thành và mô hình bò ở xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ. 

Kinh phí thực hiện các mô hình theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "Dân làm và dân hưởng lợi". Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội Nông dân các cấp, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai thực hiện nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của nông dân. Theo đó, nông dân được chuyển giao quy trình kỹ thuật, tập huấn nâng cao kiến thức theo hướng sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm có chất lượng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Công nghệ được ứng dụng có hiệu quả thiết thực, phù hợp trình độ nhận thức của người dân, dễ thực hiện; tạo thu nhập, việc làm ổn định cho các hộ tham gia mô hình. Tiêu biểu mô hình trồng lúa ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa sử dụng quy trình canh tác, kỹ thuật gieo sạ, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, bảo vệ môi trường. Nhờ đó chi phí thấp, lúa ít sâu bệnh, ít đổ ngã và cho năng suất cao hơn.

Bên cạnh đó, các mô hình cũng tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thông tin, trau dồi kinh nghiệm về cách thức tổ chức sản xuất để đạt chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp; từ đó giúp cho các tổ trưởng Tổ hợp tác, Giám đốc Hợp tác xã trong mô hình có cách nhìn mới trong việc tổ chức sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm sạch có khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập thời gian tới. Tiêu biểu như, mô hình trồng thanh long ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, người dân rất phấn khởi với kết quả đạt được. Sản phẩm trái thanh long từ mô hình này tạo tiền đề được công nhận VietGAP, có thể xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ, Úc và các nước EU. 

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An Ngô Thanh Tuyền cho biết, dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc triển khai thực hiện các mô hình còn nhiều khó khăn. Kinh phí thực hiện chủ yếu vận động xã hội hóa từ các hộ nông dân tham gia mô hình nên công tác triển khai và đầu tư thực hiện còn hạn chế. Đối với mô hình lúa, thời tiết diễn biến thất thường, bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng giống; tổ hợp tác mới chỉ sản xuất và cung cấp giống lúa và nếp tươi do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên qua thực hiện các mô hình đã tiếp thêm sức lan tỏa trong việc thay đổi tập quán sản xuất, canh tác, từ đó có nhiều nền tảng để tiếp tục nhân rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra khu vực xung quanh.

Đức Hạnh (TTXVN)
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”, tỉnh tiếp nhận, chuyển giao nhiều công nghệ từ nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN