Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Long Thành đẩy mạnh thực hiện, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường. Các mô hình này cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Trồng sầu riêng hiệu quả nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật
Tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, thời gian qua, mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Công( ấp 6) đang cho thấy sự hiệu quả và dần trở thành điểm sáng cho việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.
Ông Công cho biết, nhờ sự chăm chỉ, tự học qua sách báo và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sầu riêng của ông có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn sầu riêng đạt năng suất cao, ngoài việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường phân hữu cơ, trồng cỏ giữ ẩm cho gốc cây... Ông Công cũng đã đầu tư hệ thống tưới phun sương cho cây.
“Với cách làm, vừa tiết kiệm tiền thuê nhân công, tiền phân, thuốc (gần 5 triệu đồng/tháng), vừa đảm bảo cây được ướt đều với lượng nước vừa đủ”, ông Công chia sẻ.
Với 2,3ha đất trồng sầu riêng Ri6 gần 10 năm tuổi, năm nào ông cũng xử lý để cây cho trái nghịch vụ và trúng thời điểm. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, nhưng vườn sầu riêng của ông vẫn ước đạt khoảng 10 tấn trái. Hiện thương lái đến đặt mua với giá 65.000 đồng/kg. Ước tính thu nhập từ vườn sầu riêng của ông trên 600 triệu đồng.
Ông Công cho biết thêm, nhờ trái sầu riêng có chất lượng tốt, ổn định, mà thời gian gần đây, nhiều thương lái đã đến để để đặt mua lâu dài. Trong những năm tới, ông sẽ trồng thêm khoảng 2 ha sầu riêng giống mới để mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng cao hơn.
Thành quả từ việc sử dụng phân bón hữu cơ cho cây măng cụt
Nhiều năm sử dụng các loại vô cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, mặc dù năng suất lúc đầu đạt rất cao, nhưng càng về sau măng cụt kém tươi tốt, năng suất và chất lượng trái cũng giảm dần. Vì vậy, đầu vụ năm nay ông Võ Văn Hồng (ấp 2, xã An Phước) đã tìm hiểu và chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ và bước đầu cho thấy hiệu quả. Vườn măng cụt đã phát triển xanh tươi, ra hoa, đậu trái nhiều trở lại.
Ông Hồng cho biết: "Vườn măng cụt của tôi có hơn 100 cây, với 25 năm tuổi, dự tính sẽ thu khoảng 10 tấn trái, hiện giá bán tại vườn là 65.000 đồng/kg, tôi sẽ thu khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hơn 100 triệu, tôi cũng còn lời hơn 400 triệu đồng".
Ngoài ông Hồng, hiện nay trên địa bàn ấp còn có 2 hộ nông dân cũng đang áp dụng việc thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ, cho kết quả khả quan và có lợi nhuận cao hơn so với trước đây.
Theo đại diện Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 70.000 ha, trong đó có hơn 1.000 ha cây măng cụt. Nhìn chung, nông dân các địa phương vẫn còn thói quen sử dụng phân vô cơ bón cho cây trồng, vì mục đích nhanh có lợi nhuận, song về lâu dài, năng suất và chất lượng trái sẽ giảm, sản phẩm cũng không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh thị trường, đặc biệt là môi trường đất bị thoái hóa, nước bị ô nhiễm do các hóa chất trong phân vô cơ thẩm thấu.
Bà Võ Thị Chanh, chuyên viên Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Long Thành cho biết, khi sử dụng phân bón vô cơ về lâu, về dài sẽ làm cho các hệ vi sinh vật trong đất không phát triển và chết đi, đất chai, cây trồng không hút được dinh dưỡng, bón liều lượng nhiều cũng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và sản phẩm sẽ dư hàm lượng Nitrat.
Còn khi sử dụng phân bón hữu cơ thì sẽ làm cho đất tơi xốp, màu mỡ, các hệ vi sinh vật trong đất sẽ phát triển mạnh hơn, trùn đất sẽ kéo đến sinh sôi nảy nở và tạo nguồn dinh dưỡng trong đất và sản phẩm sẽ có chất lượng.
“Từ thực tế trên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với Phân bón Hữu cơ Con voi Bình Dương, thí điểm thành công bón phân hữu cơ cho vườn cây măng cụt của 3 hộ nông dân ở ấp 2, xã An Phước. Đây là tín hiệu khả quan để các địa phương trong tỉnh triển khai nhân rộng trong thời gian tới, nhằm tạo ra sản phẩm trái cây sạch nói chung, măng cụt nói riêng đến với người tiêu dùng, từng bước hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân có thu nhập ổn định”, bà Chanh cho biết thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, các loại cây ăn trái khác cũng cần phải sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt là trong việc chế biến các chất mùn thải trong hoạt động sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, thành các loại phân bón hữu cơ để phục vụ lại cho sản xuất, phát triển một cái ngành nông nghiệp mang tính chất tuần hoàn.
Không chỉ cây ăn trái, mà tất cả các loại cây nông nghiệp, vật nuôi nói chung cũng đang được các ngành, các cấp trong tỉnh vận động nông dân chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất sạch.
“Chỉ có như vậy, các sản phẩm nông nghiệp mới đủ điều kiện thâm nhập vào những thị trường khó tính, từ đó vấn đề mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, gia tăng diện tích cây trồng sẽ đảm bảo tính an toàn, bền vững hơn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh.