Nâng tầm sản phẩm OCOP để làm tài nguyên xây dựng phát triển du lịch nông thôn

Là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP với 150 sản phẩm được công nhận, đây được xem là bàn đạp để Đồng Nai tiếp tục nâng tầm và là nguồn tài nguyên để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, với nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao.

Cần có lộ trình nâng cấp sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm, mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các chủ thể, doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp để sản phẩm OCOP, để không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, mà còn cả nước, tiếp đến là xuất khẩu.

Để chương trình tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm Đồng Nai, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý, điều hành.

Đồng thời, thực hiện quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm OCOP phát triển bền vững; tổ chức các hội chợ sản phẩm OCOP Đồng Nai, kết nối cung - cầu; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử…

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đồng Nai Hồ Thanh Sơn (áo xanh) thăm quan gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Xuân Lộc.

Hiện các địa phương trong tỉnh đã và đang chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại vì mục tiêu để các sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn.

Từ khi bắt đầu triển khai, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, đặc biệt là các lực lượng thanh niên, phụ nữ, với các phong trào như thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP, phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên, ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Với những định hướng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh, các địa phương phải có lộ trình nâng cấp các sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao lên 4 sao và 5 sao; khai thác hết lợi thế của những sản phẩm tiềm năng, có giá trị cao cho địa phương.

Thời gian tới, khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn, các địa phương, đơn vị chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP. 

“Các địa phương phải phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững; góp phần thực hiện nội dung thứ 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới là “tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh

Kết nối đưa sản phẩm vào khu du lịch để nâng cao nhận diện

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã kết nối đưa sản phẩm vào các điểm, khu du lịch. Đây là kênh tiêu thụ nông sản địa phương tại chỗ rất tiềm năng, cần được hỗ trợ để khai thác hiệu quả.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm OCOP đã cung cấp hàng cho các trạm dừng chân, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.


Theo ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Túc Trưng, huyện Định Quán), nhiều sản phẩm sấy khô, sấy dẻo từ trái cây, rau củ của doanh nghiệp đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh. Doanh nghiệp rất quan tâm đến nhóm khách hàng là du khách nên tích cực tham gia các hội chợ, hoạt động kết nối, quảng bá nông sản gắn với du lịch.

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi đã kiên trì tham gia rất nhiều chương trình kết nối, quảng bá với mục tiêu đưa sản phẩm ca cao vào các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp cũng đã tìm được một số đối tác bán sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước”.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng thăm quan gian hàng OCOP của tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Xuân Lộc đang chú trọng vào phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP ở các cụm du lịch sinh thái vườn tại các xã Xuân Bắc và Lang Minh. Đây là những điểm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhằm nâng tầm giá trị cho sản phẩm của nhà nông.

Đến nay, có 48 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu. Những vườn cây được chọn lựa sẽ được huyện hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu…

Hiện đã có một số vườn khai thác, phát triển được mô hình du lịch sinh thái vườn như: Cụm vườn cây, hoa ở xã Xuân Bắc; vườn Hồng Lợi Thịnh, vườn ông Tám Sinh (xã Xuân Tâm); vườn ca cao (xã Suối Cát), vườn dừa dứa và The Lúa Camping (xã Lang Minh); vườn bơ sầu riêng ông Hoàng (xã Bảo Hòa)... Đặc biệt, huyện đang hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP cho sản phẩm du lịch cộng đồng ở cụm Vườn Hoa Bốn Mùa và The Lúa Camping.

Tổ hợp tác (THT) Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Xuân Bắc vừa chính thức ra mắt và khai trương sản phẩm du lịch cộng đồng gắn kết với vườn cây ăn trái. Đây là THT du lịch sinh thái đầu tiên của huyện Xuân Lộc được hình thành với sự tham gia của 8 thành viên và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc. 

Ông Văn Thành Toàn, Tổ trưởng THT Du lịch sinh thái, đồng thời là chủ điểm du lịch Vườn Hoa Bốn Mùa chia sẻ: Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn kết vườn cây ăn trái Xuân Bắc được kết nối với 8 hộ dân, có tổng diện tích trên 10ha là các vườn trái cây măng cụt, bưởi da xanh, mít, chôm chôm, ổi…

Theo ông Toàn, mục tiêu của THT du lịch sinh thái là khai thác lợi thế từ cộng đồng để xây dựng một thương hiệu du lịch riêng, có bản sắc, được hình thành từ những tiềm năng sẵn có về nông nghiệp, nông thôn, đây cũng là kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Hồng Phúc
Nhiều mô hình hay trong phát triển hữu cơ ở Đồng Nai
Nhiều mô hình hay trong phát triển hữu cơ ở Đồng Nai

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy, ngay từ đầu, các địa phương đều vào cuộc với sự quyết liệt và có đầu tư để hướng đến việc phát triển nông nghiệp hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN