Đặc biệt, từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã khuyến khích bà con tích cực đưa cây chè vào trồng, phát triển; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Những ngày trung tuần tháng 11, vùng nguyên liệu chè xã Bản Bo đang bước vào mùa thu hoạch cuối vụ. Ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc ở địa phương đã hối hả lên đồi thu hái.
Ông Hạng A Sào (dân tộc Mông, ở bản Nậm Phát) đang cùng vợ đang thu hái chè. Nhiều năm nay, cây chè là nguồn thu nhập chính, giúp ông và người dân trong bản xóa đói, giảm nghèo.
Đồi chè của gia đình ông Hạng A Sào trồng từ năm 2014, thời điểm toàn tỉnh triển khai dự án trồng, phát triển chè. Ông cùng gia đình khi ấy đã quyết định chuyển đổi đất trồng ngô 1 vụ sang trồng chè. Với hơn 2 ha trồng giống chè Kim Tuyên và chè Shan, hiện gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Hạng A Sào cho biết, ông được cán bộ xã, huyện về hướng dẫn quy trình, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại. Chè khi thu hoạch được Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường thu mua. Nhờ trồng chè, đã giúp cho gia đình ông có thu nhập ổn định, bền vững.
Gia đình anh Tòng Văn Láng (bản Nậm Tàng, xã Bản Bo) có trên 1 ha chè được trồng từ giai đoạn 2014 – 2015; trong đó, diện tích chè Kim Tuyên chất lượng cao hơn 3.000m2. Đối với diện tích chè chất lượng cao đã được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển chè Tam Đường (đóng chân trên địa bàn xã Bản Bo) hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật để sản xuất ra bột chè matcha cao cấp. Sản phẩm chè tươi của gia đình anh Láng sau khi thu hái được Công ty thu mua theo cam kết để xuất bán ra thị trường trong nước và quốc tế.
Anh Tòng Văn Láng chia sẻ: Chè chất lượng cao Kim Tuyên có giá trị kinh tế cao hơn so với chè thông thường và giá cả ổn định. Mỗi năm, chè Kim Tuyên được sản xuất 7-8 lứa, giá thành Công ty thu mua cao gấp 3 lần so với chè thông thường. Nhờ đó, cây chè Kim Tuyên đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh cũng như bà con trong bản.
Bản Bo là xã cửa ngõ của huyện Tam Đường, có tuyến đường Quốc lộ 32 đi qua nên thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với các địa phương khác; xã còn có tiềm năng về đất đai, tài nguyên và nguồn lao động dồi dào. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân trên địa bàn. Xã tận dụng thế mạnh để phát triển cây chè chất lượng cao gắn liên kết với doanh nghiệp để lo đầu ra của sản phẩm và chuyển dần sang xu hướng phát triển các dịch vụ để thu hút khách du lịch.
Để người dân hiểu lợi ích và cùng tham gia trồng chè, cấp ủy, chính quyền xã Bản Bo chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp MTTQ, các bản đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phát triển cây chè. Phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc chè. Bên cạnh đó, xã tổ chức cho một số bà con tham quan, học tập mô hình trồng chè ở các địa phương khác trong tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Bản Bo Đèo Văn Tình cho biết, để phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tạo cây chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập nhân dân, địa phương đã rà soát diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất sản xuất nghèo kiệt ở các bản để đưa cây chè vào trồng. Sau hơn 10 năm chuyển đổi, vùng chè xã Bản Bo đã khẳng định được thương hiệu chè sạch, chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo cung cấp cho các đơn vị thu mua, chế biến trên địa bàn… Qua đó, nâng cao nhận thức người dân về cây chè, tiến tới xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Hiện nhiều hộ dân tại xã Bản Bo và các vùng lân cận đang tích cực mở rộng diện tích chè để tăng thu nhập, vươn lên làm giàu từ cây chè. Đến nay, trên địa bàn xã Bản Bo có 867 ha chè (trong đó 811 ha chè kinh doanh), phát triển tập trung tại các bản: Hưng Phong, Nà Ly, Phiêng Tiên, Nà Can, Nậm Tàng… với hơn 1.000 hộ tham gia trồng chè và ký cam kết phát triển vùng chè theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt, tại địa phương có vùng nguyên liệu chè chất lượng cao Kim Tuyên cho hiệu quả kinh tế cao; có 6 công ty sản xuất và chế biến chè. Từ việc trồng chè, thu nhập của người dân nâng lên cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Nhiều gia đình có thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.
Chủ trương đưa cây chè vào phát triển ở xã Bản Bo đã bước đầu đem lại tín hiệu lạc quan không chỉ giải quyết nguồn lao động dư thừa mà còn giúp người dân có công ăn việc làm ổn định, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang hình thành vùng nguyên liệu chè. Đặc biệt, chè của người dân sau khi thu hái được Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường bao tiêu toàn bộ, mua với giá cao ổn định. Đồng thời, thành lập các tổ nhóm, hộ nông dân sản xuất chè sạch với trình độ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác từ trồng đến thu hái.
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường khẳng định: Hiện Công ty đang đang mua chè tươi của bà con và tạo việc làm cho hàng chục lao động người dân địa phương. Công ty cam kết luôn đồng hành cùng bà con trong thu mua chè tươi với giá ổn định.
Từ việc đưa cây chè vào trồng, phát triển đã tạo ra bước thay đổi căn bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về tư duy, nhận thức của người dân xã Bản Bo. Đặc biệt, diện mạo nông thôn của địa phương ngày càng đổi thay. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống của nhân dân nâng lên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại địa phương xuống còn dưới 20%./.