Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đánh giá tác động môi trường

Trước những vấn đề môi trường mới nảy sinh đặc biệt là các sự cố môi trường đã xảy ra, công tác đánh giá tác động môi trường cần liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, thủ tục nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ vỡ cống tràn xả thải Nhà máy luyện đồng Tả Phời. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Nhiều sự cố môi trường ảnh hưởng tới người dân

Mới đây, sự cố vỡ cống D2000 hồ thải quặng đuôi, Nhà máy tuyển đồng Tả Phời tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã làm ảnh hưởng khoảng 40 hộ dân, trong đó khoảng 30 hộ bị bùn đất tràn vào nhà. Dòng nước còn làm xói lở nghiêm trọng tuyến đường trục xã, đoạn gần khu vực cổng UBND xã đi thôn Phời 3. Không chỉ gây hư hỏng tài sản, bùn thải còn có nguy cơ gây ô nhiễm nặng nề về môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân nơi đây.

Trước tình hình trên, Đoàn công tác của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến xã Tả Phời để khảo sát và làm việc với doanh nghiệp, kiểm tra, đánh giá về sự cố. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cũng đã yêu cầu Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin tạm thời dừng hoạt động Nhà máy tuyển đồng Tả Phời để tập trung khắc phục sự cố; huy động trang thiết bị, nhân lực tổ chức nạo vét, thu hồi toàn bộ bùn thải tại các khu vực lắng đọng ngoài môi trường. Người dân xã Tả Phời và các xã giáp ranh cũng được chính quyền khuyến cáo tạm thời không lấy nước trực tiếp tại khu vực này, không tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nước thải và chất thải từ nhà máy sau sự cố.

Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai chỉ đạo đơn vị kỹ thuật đo đạc để xác định khối lượng bùn, nước từ hồ quặng đuôi thải đã chảy ra môi trường; tổ chức lấy mẫu nước thải, bùn thải tại khu vực xảy ra sự cố và các khu vực khác làm cơ sở xem xét đánh giá mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Sau khi có kết quả phân tích, Sở thông báo cho chính quyền địa phương để có giải pháp sử dụng các nguồn nước.

Liên quan đến vụ nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi khi làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến (nằm trong Khu công nghiệp Nam Cấm, đóng tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, lập biên bản vi phạm hành chính và kết luận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến có nhiều sai phạm dẫn đến việc 14 công nhân mắc các bệnh liên quan đến phổi; trong đó, có 4 trường hợp tử vong, 5 người đang điều trị bệnh bụi phổi, 5 người điều trị bệnh liên quan đến phổi.

Đoàn kiểm tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xử phạt doanh nghiệp này theo thẩm quyền trong 2 lĩnh vực gồm: Không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động; không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp đối với 4 lao động đã tử vong; thực hiện xác định bệnh nghề nghiệp với 5 lao động đang điều trị bệnh bụi phổi silic và 5 lao động có liên quan đến bệnh phổi; yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật về bệnh nghề nghiệp, môi trường lao động, quan trắc môi trường lao động; hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ liên quan để khám xác định bệnh nghề nghiệp cho tất cả lao động đã và đang làm việc tại doanh nghiệp này...

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chỉ đạo Công ty khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường; theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời các vấn đề về môi trường phát sinh. Trường hợp không khắc phục kịp thời hoặc không đáp ứng được yêu cầu thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, người dân xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long bức xúc trước tình trạng nhà máy nước ở xã này xả bùn, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước đen ngòm, bẩn thỉu xả từ nhà máy nước chảy thẳng xuống hồ trung tâm xã Quảng Khê. Đây cũng là nguồn cấp nước thô cho nhà máy nước này hoạt động và cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Theo Công ty Cổ phần cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông, trước đây có đường ống để xả bùn từ bể lắng nhưng gần đây ai đó đã phá vỡ nên nước mới tràn ra ngoài.

Ông Phạm Đức Anh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk G’long khẳng định việc Trạm cấp nước sinh hoạt Quảng Khê xả bùn lắng từ quá trình xử lý nước là không sai nhưng gây phản cảm. Việc này được tiến hành định kỳ khoảng 2 -3 tháng/lần. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra vào ngày 11/8 vừa qua và yêu cầu đơn vị này phải làm một hồ chứa bùn thải để lắng, khô tự nhiên, không tiếp tục xả xuống hồ trung tâm xã. Đại diện trạm cấp nước cũng đã đồng ý và cam kết xử lý, khắc phục.

Nâng cao hiệu quả đánh giá tác động môi trường
 

Chú thích ảnh
Công tác khắc phục hậu quả vụ vỡ cống tràn xả thải Nhà máy luyện đồng Tả Phời. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Trước những vấn đề môi trường mới nảy sinh, đặc biệt là các sự cố môi trường đã xảy ra, các nhóm, loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đã được xác định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tiếp đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định về phân nhóm các dự án đầu tư, trong đó tập trung kiểm soát 17 loại dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (Nhóm I) và 11 loại dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (Nhóm II).

Các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương hình thành phương thức phối kết hợp trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Trong đó, tập trung quản lý tốt 20 – 30% các cơ sở có nguồn thải lớn nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường, áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, giám sát chặt chẽ việc xả thải, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm.

Những khu vực tập trung nhiều điểm, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường đã được tập trung kiểm soát về môi trường, góp phần giảm mức độ tích tụ ô nhiễm môi trường Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã tăng đáng kể trong những năm qua. Đến hết năm 2022, trên phạm vi cả nước đã có 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, giai đoạn 2013 - 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận và phương thức quản lý môi trường với nhiều quy định mới, được kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá, chuyển biến sâu sắc trong công tác bảo vệ môi trường của đất nước. Các công cụ quản lý môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn. Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, thủ tục nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

Nhiều hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành đã giúp các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý có cơ sở triển khai thực hiện quy định pháp luật. Điển hình là Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá môi trường chiến lược chuyên ngành cho các loại hình quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng và cấp tỉnh, quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, quy hoạch phát triển khu công nghiệp; Hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chuyên ngành cho các loại hình dự án: nhà máy điện hạt nhân, khai thác than bằng công nghệ khí hóa, xây dựng khu du lịch và xử chất thải nguy hại bằng công nghệ đốt; 7 Hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường về: Dự án chế biến đất hiếm, xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng đường sắt trên cao, xây dựng cơ sở sản xuất tinh bột mì, xây dựng cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh, xây dựng cơ sở xử lý, tái chế chất thải nguy hại...

Trong giai đoạn 2013-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, có ý kiến đối với hơn 190 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt hơn 1.500 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các địa phương đã chú trọng dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn; một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ quá trình thu hút đầu tư. Qua đó, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.

Đặc biệt, các cơ quan đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, dừng triển khai đối với một số dự án lớn có nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường như: Dự án Mở rộng quy mô nâng công suất phân bón của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Châu, dự án Cảng Lạch Huyện, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê; các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên; dự án khai thác đất hiếm tại Đông Pao, Lai Châu…

Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Từ khi được thành lập đến hết năm 2022, Đường dây nóng đã nhận được tổng số 2.545 thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường. Các vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường đều được gửi về địa phương đề nghị xác minh, xử lý, hoặc trực tiếp tổ chức xác minh, xử lý, hoặc hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quan trắc và cảnh báo về môi trường tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Đến hết năm 2022, cả nước có 58/63 địa phương với 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng giảm đáng kể (năm 2022 đã giảm 1,6 lần so với năm 2016). Thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường đã góp phần tạo được những chuyển biến nhất định về ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học của các doanh nghiệp, tổ chức, đã dần chuyển từ thái độ đối phó với các cơ quan chức năng sang thức tự giác chấp hành, phát huy vai trò của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Hoàng Nam (TTXVN)
Lào Cai: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và sự cố vỡ cống hồ thải quặng đuôi
Lào Cai: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và sự cố vỡ cống hồ thải quặng đuôi

Thông tin từ từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, cùng với thiệt hại về người, mưa lũ xảy ra từ ngày 6 - 9/8 trên địa bàn đã gây thiệt hại cho địa phương hơn 13 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN