Nam Định giữ cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp

Những năm qua, các địa phương, cơ quan chuyên môn tại Nam Định đã thực hiện hiệu quả các phong trào phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và nói không với rác thải nhựa nhằm giữ gìn cảnh quan, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Chú thích ảnh
Nhờ thực hiện tốt thu gom, xử lý hiệu quả rác thải nên các tuyến đường trên địa bàn huyện Hải Hậu luôn sạch đẹp.

Giảm áp lực rác thải 

Gia đình ông Vũ Hùng Vương ở xóm 13, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, đã thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn từ năm 2020. Ở góc sân có một hố rác hữu cơ được xây chắc chắn, đậy nắp kín. Tất cả rác thải hữu cơ sẽ được bỏ vào hố rác này, rắc chế phẩm sinh học để ủ thành phân bón cho cây trồng. Những loại rác vô cơ, khó tiêu hủy được bỏ vào một thùng nhựa lớn ngoài đầu ngõ chờ thu gom về bãi rác tập trung xử lý.

Ông Vương cho biết, cuối năm 2020, 250 hộ dân trong xóm đã thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn và được huyện Nghĩa Hưng hỗ trợ kinh phí mua nắp đậy và chế phẩm sinh học. Việc phân loại rác thải tại nguồn tốn ít thời gian, kinh phí ít song không những mang lại hiệu quả cao mà còn giúp giảm áp lực rác thải sinh hoạt, giữ gìn môi trường sạch đẹp.

Ông Phạm Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng cho hay, ngoài việc vận động nhân dân xây hố rác và thực hiện phân loại, xử lý tại gia đình, xã đã đặt 140 thùng rác bằng nhựa dọc tuyến đường trục xã dài 4 km để những hộ có diện tích khuôn viên nhà chật, không có nơi làm hố xử lý rác thì phân loại rác sau đó bỏ vào thùng rác đặt ngoài đường để lực lượng thu gom mang đi xử lý. Nhờ thực hiện hiệu quả việc phân loại loại, xử lý rác tại nguồn nên trên địa bàn không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra môi trường. Đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp. 

Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng Phạm Thị Minh Nguyệt thông tin, ước tính tổng lượng rác thải của toàn huyện khoảng 75 tấn/ngày. Nếu không tiến hành phân loại, xử lý rác thải tại nguồn sẽ khiến các bãi chôn lấp, lò đốt rác trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Huyện đã khuyến khích các địa phương, nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào phân loại, xử lý rác và đến cuối năm 2021, toàn bộ 24/24 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, giúp giảm khoảng 50% tổng lượng rác đưa về khu xử lý rác thải tập trung.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, hiện trên địa bàn tỉnh có 181 xã/thị trấn đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn với 370.169/579.170 hộ tham gia, đạt tỷ lệ trên 63%. Việc phân loại rác thải tại nguồn khá đơn giản, kinh phí thấp, dễ sử dụng, giảm tải lượng rác phải xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của địa phương, tạo cảnh quan sạch đẹp, cải thiện bộ mặt nông thôn.

Chú thích ảnh
Nhờ phân loại rác thải tại nguồn, lượng rác thải đưa về khu xử lý tập trung tại Nam Định giảm từ 40-50%

Xây dựng môi trường thân thiện

Cùng với phân loại rác thải tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào chống rác thải nhựa, được các địa phương, đơn vị và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.160/3.611 thôn, xóm, tổ dân phố của 150 xã, phường, thị trấn (trong đó có hơn 123.400 hộ dân) tham gia phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại gia đình, thực hiện giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy, tái chế và tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. 

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì môi trường hằng năm, ra quân dọn vệ sinh môi trường, phân loại rác thải nhựa; thành lập đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường; diễu hành tuyên truyền, bóc gỡ tờ rơi, quảng cáo sai quy định trên các tuyến phố, vệ sinh dòng chảy, trồng cây xanh, xóa các điểm đen về rác... 

Kết quả các hoạt động này đã thu hút 31.800 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; thu gom 147 tấn rác, trong đó  phân  loại 10,8 tấn rác thải nhựa để tái chế, và chăm sóc 40.000 cây xanh, tặng thùng thu gom rác cho Ban Quản lý chợ Hoàng Ngân, thành phố Nam Định và các đơn vị, tặng 2.000 túi đựng đồ thân thiện môi trường cho nhân dân. Hiện nay, đa số các hội nghị, phòng họp, hội trường của các cơ quan, tổ chức tại Nam Định không sử dụng chai nhựa đựng nước uống.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng Việt Nam”; “Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến giảm thiếu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” và dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trên sông Hồng”…

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn, để giảm thiểu rác thải nhựa, cấp ủy, chính quyền các cấp, đoàn thể chính trị - xã hội cần triển khai hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu chất thải nhựa; có cơ chế, chính sách quy định cụ thể về giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn và chất thải nhựa; thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, tái chế sản phẩm từ nhựa..

Vũ Văn Đạt
Nam Định hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh
Nam Định hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các địa phương thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; đồng thời quy định các tiêu chí cụ thể, phù hợp với thực tế để sớm cán đích nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh. Nông thôn Nam Định phát triển theo hướng hiện đại, môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn... 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN