Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Với phương châm "thích ứng, an toàn, linh hoạt về phòng, chống dịch hiệu quả", Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu GRDP tăng 7,0% trong năm 2022.
Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm chủ yếu như: Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, Nông nghiệp và Du lịch.
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình truyền tải điện, xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư Khu Công nghiệp Tân Đức, Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 2 và các cụm công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh chú trọng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, các sản phẩm du lịch mới; thực hiện tốt các chương trình kích cầu du lịch phù hợp, nhanh chóng phục hồi thị trường khách sau thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường; chủ động có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực…
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu "kép", thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đồng thời thực hiện các giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế; từng bước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái "bình thường mới" phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Các đơn vị triển khai nhanh, chặt chẽ các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp theo đúng quy định, đúng đối tượng hỗ trợ.
Thời gian tới, Bình Thuận cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai các công trình, dự án, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh, dự án giao thông quan trọng, kết nối vùng, địa phương. Tỉnh nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công; tăng cường giải ngân vốn đầu tư đã được phân bổ; thực hiện chặt chẽ công tác quyết toán các dự án theo đúng quy định…
Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng thảo luận, thông qua 25 Nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trong năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 chỉ tăng 2,77%-mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm qua; có 12/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Thu ngân sách nhà nước là điểm sáng của tỉnh với 11.264 tỷ đồng, vượt 35,39% so dự toán năm. Tỉnh đã tập trung nguồn lực giải ngân vốn đầu tư công và đạt 98,6% kế hoạch. Hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, lượng khách và doanh thu giảm mạnh. Tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.