Ghi nhận trên cánh đồng lúa tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, nhiều nông dân lộ rõ nét mặt kém vui, dù lúa năm nay thuận thời tiết, trúng mùa. Nguyên nhân là do giá lúa dao động liên tục và giảm nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Người bán lúa xong thì hụt hẫng vì lợi nhuận không như mong muốn, người đang chờ thu hoạch thì hồi hộp theo dõi giá hàng ngày.
Các hộ nông dân cho biết, cách nay hơn một tháng, khi các trà lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vừa mới bước vào giai đoạn trổ, nhiều thương lái đã đến xem và đặt cọc tiền mua lúa tươi với giá lên đến 9.500 - 10.000 đồng/kg. Điều này làm nông dân phấn khởi, kỳ vọng một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, khi bước vào cận Tết Nguyên đán, giá lúa bắt đầu giảm chỉ còn 8.300-8.900 đồng/kg. Từ sau Tết Nguyên đán, giá lúa giảm từng ngày xuống còn khoảng 8.000 đồng/kg và chỉ vừa “chững” lại trong tuần qua.
Ông Phạm Công Danh, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình vừa thu hoạch hơn 1,5 ha lúa với giá bán 8.000 đồng/kg. Theo ông Danh, thời điểm trước khi thu hoach, đã có thương lái đến địa phương đặt cọc với giá 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch giá chỉ còn 8.000 đồng/kg nên nhiều thương lái bỏ cọc không thu mua. Điều này làm nông dân khó khăn phải tìm thương lái khác để bán. “Vụ lúa năm nay năng suất cao hơn những vụ trước. Với giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi vẫn còn lãi khoảng 4 triệu đồng/1.000 m2. Tuy nhiên, điều làm bà con kém vui là việc giá lúa “nhảy múa” liên tục trong thời điểm thu hoạch. Nông dân tranh thủ bán lúa tươi vì trữ lại phơi sẽ thất thoát và khó tìm người mua, nên đến vụ thì bằng mọi giá phải bán. Tình hình giá biến động mỗi ngày, thương lái thì có người đặt cọc rồi không mua, có người chỉ chốt mua chứ không chốt giá khiến bà con lo lắng, hồi hộp chờ chốt giá”, ông Danh nói.
Ông Phạm Hoàng Hảo ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình cũng vừa thu hoạch xong gần 2 ha lúa, tuy nhiên cũng chưa biết thương lái sẽ mua với giá nào. Ông Hảo chia sẻ: “Khi lúa khoảng 40 ngày thì nông dân nghe tin thương lái mua giá cao nên rất phấn khởi, đầu tư công sức và vật tư chăm sóc để lúa đạt năng suất cao nhất trong vụ này. Từ sau Tết, giá lúa giảm liên tục, làm bà con lo lắng khi đầu tư nhiều, năng suất cao nhưng lãi không như mong đợi. Nông dân làm ruộng một năm chỉ trông vào vụ Đông Xuân, giá lúa ổn định thì mới yên tâm”.
Tình hình giá lúa biến động thời gian qua cũng kéo theo nhiều khó khăn cho hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương. Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Tân Tiến (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết, do giá lúa thường xuyên biến động, lợi nhuận của các thành viên trong hợp tác xã không cao như nông dân sản xuất và bán cho thương lái bên ngoài. Do đó, vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân trong hợp tác xã chỉ sản xuất khoảng 12 ha và thống nhất sẽ tiêu thụ qua thương lái. Ông Phước cho biết, từ đầu vụ, các thành viên trong hợp tác xã thống nhất chọn phương án bán cho thương lái chứ không ký kết với doanh nghiệp. Do đó, đến thời điểm thu hoạch gặp lúc giá lúa đang giảm nên hợp tác xã cũng khó khăn trong việc tìm thương lái thu mua. Qua trao đổi, thỏa thuận, nông dân trong hợp tác xã chốt giá được 8.000 đồng/kg. Nhờ năm nay năng suất cao nên với giá này bà con vẫn có lời. Mặc dù vậy, nông dân cũng chưa yên tâm sản xuất vì giá lúa lên xuống, không ổn định.
Chia sẻ thông tin về tình hình biến động giá lúa trong những ngày qua, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông dân các địa phương đồng loạt thu hoạch lúa nên nguồn cung dồi dào, trong khi đó nhà máy, doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp về tài chính, nhân lực, kho bãi… để mua hết với số lượng lớn nên phần nào dẫn đến tình trạng chậm tiêu thụ lúa, dẫn đến giá lúa giảm. Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp vẫn e ngại rủi ro trong việc mua dự trữ lúa giá cao, nên theo dõi tín hiệu của thị trường, chờ giá lúa giảm để mua vào.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, mặc dù giá lúa giảm, tuy nhiên để giữ mối liên kết với nông dân trồng lúa đã ký kết hợp đồng, doanh nghiệp vẫn thực hiện bao tiêu hết lượng hàng hóa theo mức giá ban đầu thỏa thuận. Bên cạnh đó, từ đầu tháng Giêng âm lịch đến nay, doanh nghiệp cũng tập trung mua lúa thông qua hệ thống thương lái để đảm bảo thực hiện đạt kế hoạch thu mua phục vụ chế biến gạo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; đồng thời, góp phần tiêu thụ lượng lớn lúa Đông Xuân có chất lượng cao của người nông dân.
Ông Thành đề nghị, trong bối cảnh giá lúa, gạo biến động liên tục, doanh nghiệp mong muốn được quan tâm ưu đãi nhiều hơn về lãi suất vay vốn để có nguồn kinh phí, mở rộng thu mua lúa nguyên liệu, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ để vừa có lúa dự trữ phục vụ sản xuất, kinh doanh, vừa giúp cho người nông dân bán được lúa và có lợi nhuận tốt hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ Đông Xuân 2023-2024, nông dân đã xuống giống 38.187 ha, đến nay đã thu hoạch gần 10.000 ha với năng suất bình quân 7,08 tấn/ha. Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 28.000 ha lúa Đông Xuân chờ thu hoạch; trong đó, chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh chín. Xác định vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm nên thời gian qua, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, nhân rộng các mô hình canh tác tiên tiến và hướng dẫn nông dân áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành. Đối với diện tích lúa chưa thu hoạch của vụ Đông Xuân, ngành nông nghiệp chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật bám sát từng địa bàn để phát hiện sớm sâu bệnh, khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng và thực hiện các giải pháp phòng trị hiệu quả để đảm bảo đạt năng suất.