Nhiều doanh nghiệp đã cam kết thực hiện bình ổn thị trường, triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Sở Công Thương tỉnh Long An tăng cường kiểm tra hoạt động tạm trữ hàng hóa, bình ổn thị trường; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị phương án điều tiết cân đối cung cầu khi thi trường có biến động; đồng thời, đề nghị doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Sở Công Thương tỉnh cũng đã lập phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, triển khai cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thương mại và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn đã xây dựng phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu. Hàng hóa mà các doanh nghiệp tham gia tạm trữ đa dạng về mẫu mã, số lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, gồm nhiều loại như: gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, hàng thực phẩm tươi sống, trái cây... tổng giá trị đạt khoảng 560 tỷ đồng.
Đối với lương thực, Công ty Lương thực Long An luôn duy trì lượng hàng hóa tồn kho gạo thường, gạo thơm khoảng 4.000 tấn, tổng giá trị khoảng 43 tỷ đồng tại các nhà máy và cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, khi thị trường có biến động, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn cung cấp gạo tham gia thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp tồn kho khoảng 272.000 tấn gạo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn cũng tăng cường tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu - cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và nhu cầu mua sắm của công nhân góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Ngoài ra, Sở Công Thương Long An đã tham gia ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường năm 2022 giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua chương trình hợp tác thương mại này, khi có tình hình biến động về giá cả thị trường hàng hóa ở địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm thông báo đến các tỉnh, thành phố trong khu vực để các Sở Công Thương huy động doanh nghiệp cung ứng hàng hóa hỗ trợ ổn định thị trường.