Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau giả định 5 cấp độ tình huống dịch bệnh và dự báo tổng giá trị hàng hóa thiết yếu đáp ứng từng cấp độ theo giả định khi có trường hợp cách ly ca nhiễm SARS-Cov-2; trong đó cấp độ 1 khoảng 1,3 tỷ đồng, cấp độ 2 khoảng 5,9 tỷ đồng, cấp độ 3 khoảng 26,6 tỷ đồng, cấp độ 4 khoảng 53,1 tỷ đồng và cấp độ 5 khoảng 79,7 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, khả năng dự trữ hàng hóa thiết yếu phục người tiêu dùng trong toàn tỉnh khoảng 1.213 tỷ đồng. Riêng dự trữ mặt hàng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn khoảng hơn 346 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 siêu thị và trung tâm thương mại; 112 cửa hàng tiện lợi và có hơn 6.300 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, thực phẩm; có 71 chợ đầu mối. Theo thông tin từ các nhà phân phối, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu tại tỉnh Cà Mau, hiện nay, các mặt hàng thiết yếu cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh, giá ổn định.
Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng và có phương án vận chuyển về tỉnh. Đơn cử, Công ty Xăng dầu Cà Mau dự trữ hàng hóa trị giá 204 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá khoảng 138 tỷ đồng; Chuỗi cửa hàng bách hóa xanh dự trữ hàng hóa thiết yếu trị giá 60 tỷ đồng; Siêu thị Co.omart Cà Mau dự trữ hàng hóa thiết yếu trị giá khoảng 30 tỷ đồng; Vinmart Cà Mau dự trữ trị giá khoảng 8 tỷ đồng...
Liên đến vấn đề này, ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn bình ổn. Qua kiểm tra, đơn vị chưa phát hiện các trường hợp doanh nghiệp, tiểu thương lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương. Đặc biệt các đơn vị chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý; sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ dùng để phòng, chống dịch… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền để người dân thông hiểu và không hoang mang, không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa làm ảnh hưởng tình hình giá cả trị trường trong đại dịch COVID-19.