Ông Nguyễn Văn Được nhận định, trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, các địa phương trong tỉnh không được lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo lắng. Các địa phương cần có sự chủ động; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; phát huy nguyên tắc “4 tại chỗ”, linh hoạt, sáng tạo, phát huy trí tuệ, đoàn kết và dân chủ, thống nhất trong chỉ đạo; phát huy vai trò của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận, các đoàn thể, tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch.
Thời gian tới, Long An cần tiếp tục cảnh giác cao độ và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Người đứng đầu địa phương, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong trường hợp đơn vị hay địa bàn phụ trách xảy ra dịch bệnh lan rộng do lỗi chủ quan. Đặc biệt, các địa phương chú trọng bảo vệ lực lượng phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở y tế.
Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bến Lức cho biết, trên địa bàn huyện có 10 ca dương tính, trong đó có liên quan đến công nhân của các doanh nghiệp. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cho ngành Công an, Liên đoàn Lao động huyện quản lý 1.264 nhà trọ với 38.000 công nhân đã đăng ký. Huyện yêu cầu chủ nhà trọ cam kết xây dựng nhà trọ văn hóa, an toàn.
Bên cạnh đó, huyện Bến Lức dán thông tin những trường hợp cách ly tại nhà trọ để nâng cao ý thức của người dân; chọn những nhà trọ đông công nhân để thực hiện việc test nhanh phòng F2 có thể thành F1, thành ca dương tính. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Bến Lức có 11 khu, cụm công nghiệp với khoảng 60.000 công nhân, trong đó, người nhập cư chiếm trên 50%.
Cũng tại các nơi kiểm tra, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An yêu cầu các địa phương chủ động lên kế hoạch tiêm vaccine tại các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện nghiêm việc quản lý người đi, về từ vùng dịch, đặc biệt trong các khu, cụm công nghiệp và những người làm nghề buôn bán. Các địa phương tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm tại nhà trọ, xét nghiệm ngẫu nhiên ở công cộng; củng cố lại ban chỉ đạo phòng dịch; chủ động, sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác chống dịch.
Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại nơi làm việc và ký túc xá của người lao động; chủ động rà soát, hoàn chỉnh phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Tùy vào điều kiện thực tế của từng khu, cụm công nghiệp, lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch đảm bảo nơi cách ly y tế tối thiểu từ 30 - 50% số lượng công nhân, lao động hiện có và bố trí nơi tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch chú trọng “3 nơi, 3 lúc” có nguy cơ lây nhiễm cao nhất (lúc ăn, nơi ăn; lúc đi vệ sinh, nơi đi vệ sinh; lúc đi xe, không gian ngồi trên xe); thực hiện hiệu quả nguyên tắc “8 giờ vàng” trong truy vết, khoanh vùng, phong tỏa; thực hiện đúng quy định cách ly tại nhà, nơi lưu trú…
Tính đến chiều 25/6, Long An có 63 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 48 ca mắc trong cộng đồng. Đặc biệt, các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa trong những ngày qua liên tục ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng.