Cụ thể, địa bàn tỉnh còn tồn tại một số điểm giết mổ lậu, tiềm ẩn mối nguy rất lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường; có đường biên giới giáp Campuchia dài khoảng 133 km và tiếp giáp thị trường tiêu thụ lớn Tp. Hồ Chí Minh nên áp lực thực hiện các hoạt động quản lý kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ rất lớn; dịch chuyển mang tính không ổn định của một số thương lái từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long An làm tăng đột biến số lượng gia súc giết mổ, gây quá tải đối với các cơ sở giết mổ và phức tạp cạnh tranh giá cả…
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động giết mổ, yêu cầu những hộ dân phải đem động vật vào cơ sở giết mổ tập trung, có sự kiểm soát của thú y trước khi đem thịt ra bán ngoài thị trường để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người tiêu dùng chọn mua thịt gia súc, gia cầm an toàn tại những nơi uy tín và sản phẩm có dấu kiểm dịch theo quy định của cơ quan chức năng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thời gian qua việc kiểm soát giết mổ và thẩm định, đánh giá về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện theo quy định. Hiện toàn tỉnh có khoảng 90% gia cầm, 95% gia súc giết mổ được kiểm soát giết mổ. Qua đó, Long An cơ bản kiểm soát được việc cung cấp sản phẩm vệ sinh và an toàn.
Long An hiện có tổng đàn lợn khoảng 120 nghìn con; trâu 6 nghìn con; bò 118 nghìn con và gia cầm khoảng 7,6 triệu con. Trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở thu gom động vật và 48 cơ sở cơ sở giết mổ; trong đó, có 36 cơ sở giết mổ tập trung và 12 cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Công suất giết mổ trung bình mỗi ngày, đêm khoảng trên 230 con trâu, bò; 4.000 con lợn; 70.000 gia cầm. Long An có trên 85% sản phẩm động vật sau giết mổ được vận chuyển ra ngoài tỉnh, trong đó chủ yếu TP Hồ Chí Minh.