Đây là cảm nhận của các hộ chăn nuôi tại huyện Phú Bình sau khi được nhận hỗ trợ giống vật nuôi từ các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương vì con giống phát triển khỏe mạnh, dễ nuôi và sinh trưởng tốt.
Hào hứng khi tham gia dự án
Tháng 1/2024, gia đình chị Hoàng Thị Thắm - hộ cận nghèo của xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình được nhận hỗ trợ một con bò theo dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thuộc Ban dân tộc. Sau gần 3 tháng nhận nuôi, con bò ăn khỏe, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, tăng cân nhanh. Chị Thắm hồ hởi cho biết: “Bò khi nhận về đẹp lắm, nhanh khỏe, ăn tốt, nuôi mau lớn. Sắp tới, đến kỳ sinh sản, tôi sẽ cho phối giống để phát triển đàn vật nuôi”.
Cũng như gia đình chị Thắm, anh Phan Văn Sỹ ở cùng xóm là hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ từ dự án giảm nghèo với một con bò cái. Khi nhận về, con bò có trọng lượng khoảng 220 kg, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Qua hơn 2 tháng chăm sóc, con bò lớn nhanh và tăng cân lên tới 250 kg. Anh Sỹ cho biết, trước khi nhận con giống, anh cùng các hộ dân trong xóm đã được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi bò miễn phí trong 3 tháng do xã tổ chức. Vận dụng những kiến thức đã được tập huấn, con bò của gia đình anh sinh trưởng tốt, mau lớn và rất nhanh nhẹn.
Chị Lê Thị Hương (hộ nghèo ở xóm Kén, xã Nga My) vừa cầm bó cỏ cho bò ăn, vừa khoe: Con bò này gia đình tôi được nhận hỗ trợ từ dự án mà không phải đối ứng đồng vốn nào. Gia đình còn nhận được hỗ trợ men vi sinh, thức ăn hỗn hợp trong 4 tháng đầu khi nhận bò về và thuốc phun khử trùng. Ngoài ra, cán bộ thú y của xã cũng đến tận nhà tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, tẩy sán, ký sinh trùng định kỳ cho bò… Chính vì vậy, tôi rất yên tâm trong suốt quá trình nuôi bò.
Với phương pháp cầm tay chỉ việc, hiệu quả mang lại không chỉ trên đàn bò mà còn thấy rõ trên đàn gà của gia đình bà Nguyễn Thị Sản ở xóm Suối Lửa, xã Tân Thành. Bà Sản cho biết, gia đình bà được hỗ trợ 350 con gà từ cuối năm 2023. Sau gần 4 tháng chăm sóc, đàn gà ăn khỏe, mỗi con cho cân nặng từ 2,5 kg trở lên và dự kiến sẽ xuất chuồng trong tuần tới. Bà Sản dự tính, số tiền thu về từ lứa gà này chắc chắn được hàng chục triệu đồng.
Bà Sản cho biết, trước và sau khi nhận con giống, gia đình bà được các cán bộ chuyên môn của huyện, xã xuống tận nơi để khảo sát khu vực chuồng trại. Bà được tham gia lớp tập huấn 3 tháng về chăn nuôi gà. Ngoài ra, khi nhận gà về, gia đình bà còn được cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng vắc xin và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi… Bà Sản cũng bày tỏ mong muốn được chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ để phát triển đàn gà trong thời gian tới.
Có thể nói, chương trình hỗ trợ giảm nghèo trong chăn nuôi tại huyện Phú Bình đã được người dân hồ hởi đón nhận. Vậy, “bí quyết thành công ở đây là gì?”.
Ưu tiên nhu cầu và lợi ích của người chăn nuôi
“Hỗ trợ con giống nào thì tập huấn kỹ thuật chăn nuôi con giống đó”- tuy đơn giản nhưng đây chính là bí quyết thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo được bà Trần Thị Tuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phú Bình tiết lộ. Theo đó, trước khi trao con giống cho hộ dân, huyện Phú Bình yêu cầu các địa phương tổ chức lớp tập huấn miễn phí 3 tháng về kỹ thuật chăn nuôi và phương pháp chăm sóc con giống, nhà nào được hỗ trợ con gì sẽ được tập huấn về kỹ thuật về chăn nuôi con giống đó. Ngoài ra, việc cấp giống cũng dựa trên nhu cầu của mỗi hộ dân, trong đó có xét đến điều kiện cơ sở vật chất, cũng như kinh nghiệm chăn nuôi để tư vấn, định hướng sao cho phù hợp.
Đặc biệt, huyện cũng thực hiện phân vùng hỗ trợ theo điều kiện mỗi địa phương như: hỗ trợ trâu, bò sẽ tập trung tại các xã có truyền thống và kinh nghiệm chăn trâu, bò như Tân Thành, Bàn Đạt, Nga My…; hỗ trợ nuôi gà sẽ tập trung tại Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa, Bảo Lý… Bà Tuyên cho biết thêm, khi nhận hỗ trợ con giống, người dân không phải đối ứng một đồng vốn nào, mà còn được cấp thức ăn chăn nuôi trong 4 tháng đầu cùng thuốc thú y…
Ông Dương Văn Tiệp, Phó Chủ tịch xã Nga My cho biết, xã hiện có 107 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo. Khi dự án về địa phương, rất nhiều hộ đã đăng ký tham gia. Tuy nhiên, xã cũng phải xét trên nhiều yếu tố như: nguồn nhân lực, điều kiện chuồng trại, có đất trồng cỏ… mới đủ điều kiện tham gia dự án. Bà Lý Thị Cảnh, trưởng xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành cho biết, cả xóm có 16 hộ được hỗ trợ 16 con bò, hiện nay tất cả số bò đều sinh trưởng phát triển tốt, sẵn sàng phối giống sinh sản khi đủ điều kiện và tư tưởng của người dân rất phấn khởi. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, khi bò mới được cấp về cho các hộ dân có cân nặng từ 200 đến 220 kg. Chỉ sau hơn 2 tháng chăm sóc, bò đều tăng và đạt mức cân nặng từ 245 đến 250 kg, thậm chí có con còn lên tới 290 kg.
Trong những năm qua, huyện Phú Bình đã hoàn thành tiến độ các mục tiêu đặt ra về cả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, toàn huyện đã giảm từ 2.098 hộ nghèo đầu năm 2022 xuống còn 1.193 hộ vào thời điểm hiện tại, vượt 182,3% kế hoạch đề ra. Như vậy, bình quân mỗi năm huyện Phú Bình giảm 0,65% hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch huyện Phú Bình chia sẻ: “Nhận thức rõ người dân là trọng tâm quyết định thành công của dự án, huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn các cấp, ngành luôn bám sát, hỗ trợ, giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị. Đặc biệt, đội ngũ thú y cơ sở chính là thành viên nòng cốt luôn đồng hành, tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi cho mỗi hộ dân… Với cách làm này, việc triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng, góp phần tạo tiền đề để toàn huyện tiếp tục củng cố vững vàng các tiêu chí về nông thôn mới, tiến tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới”.