Khi mỗi đảng viên là một trợ công giảm nghèo

Qua hơn 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tinh thần của Chỉ thị thấm nhuần từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương cho đến từng cán bộ đảng viên tại thôn bản đã tạo thành sinh lực mới cho công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Chú thích ảnh
Đảng viên Vừ Mí Cáy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ, cùng bà con chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi.

Đảng viên Vừ Mí Cáy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ, cùng bà con chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi

Về thôn Há Ía của vùng núi đá Hà Giang vào những ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, màu xám lạnh của đá đã phai nhạt bởi sắc thắm của hoa đào sặc sỡ được trồng sen lẫn hai bên hàng rào đá len lỏi dọc các xóm bản cùng những mảnh vườn rau nhỏ xanh mướt.

Những con đường mới thoáng rộng được bê tông hóa, cùng những ngôi nhà mới vừa hoàn thiện vươn khói bếp mỗi sáng chiều ngày một đan dày là minh chứng sinh động cho chất lượng sống của đồng bào các dân tộc đang ngày càng cải thiện. Thành quả này không thể thiếu sự góp công của nguồn vốn chính sách và sự dày công của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tận tâm, tận tuỵ, hết mình vì công việc của các đảng viên cơ sở như Vừ Mí Cáy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.

Bản thân là một đảng viên, xuất phát từ hộ gia đình tương đối khó khăn. Hơn ai hết Vừ Mí Cáy thấu hiểu được cảnh khốn khó của bà con nghèo trong thôn khi chưa được tiếp cận các nguồn vốn vay. Do đó, khi đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía, đảng viên Vừ Mí Cáy luôn suy nghĩ và trăn trở làm sao, làm như thế nào để có thể giúp mình và nhiều hộ nghèo khác vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Vừ Mí Cáy kể, ngày đầu làm Tổ trưởng trong thôn mới có 01 Tổ tiết kiệm và vay vốn với vỏn vẹn 10 thành viên tham gia. Các thành viên trong tổ đều sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê, làm mướn nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Nhiều hộ còn trông chờ ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước mà không có tư duy, chịu khó phấn đấu tìm hướng làm ăn; nhiều hộ lại không dám vay vốn vì không biết sử dụng vốn cho hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi cho Nhà nước,... Vì vậy, công tác tuyên truyền cho các hộ nghèo hiểu được những lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại luôn được Mí Cáy chú trọng.

Hằng tháng, anh đều tìm tòi, học hỏi, chia sẻ với các tổ khác trong thôn để tổ chức sinh hoạt tổ nề nếp hơn. Thông qua cuộc họp thôn có thể theo dõi hoạt động chung của tổ, quá trình sử dụng vốn vay của từng thành viên và đưa ra những nhận xét để các tổ viên rút kinh nghiệm, tránh tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, không hiệu quả, lãi tồn đọng và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cương quyết không thực hiện bình xét cho vay đối với các hộ đi làm ăn xa và không có phương án sản xuất, kinh doanh. Sau khi vay vốn, Ban quản lý tổ không bỏ mặc thành viên trong tổ tự tìm hướng đi cho mình mà thường xuyên bám sát việc sử dụng vốn vay của hộ, gần gũi, động viên khi hộ vay gặp khó khăn hoặc xảy ra rủi ro trong quá trình sử dụng vốn, kịp thời báo cáo lên cấp trên có hướng khắc phục và giúp đỡ. Đồng thời khuyến khích tổ viên mình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất do các ngành chức năng của huyện tổ chức để các thành viên chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía do Vừ Mí Cáy làm Tổ trưởng có 32 thành viên tham gia với dư nợ đạt 1,5 tỷ đồng. Dù tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn còn tới 70% là hộ nghèo (chiếm 54% số hộ), song con đường thoát nghèo không xa khi hầu hết đang vay vốn chính sách phát triển chăn nuôi trồng trọt, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Câu chuyện đảng viên đồng hành cùng người nghèo đã và đang lan rộng trên địa bàn cả nước.
Như huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Ban Chỉ huy quân sự huyện và NHCSXH huyện phối hợp triển khai mô hình Dân vận khéo “Cán bộ đảng viên đồng hành cùng người nghèo” từ giữa năm 2023 với bước khởi đầu là giúp đỡ cho 5 hộ gia đình ở thôn 1, xã Trà Vân làm thủ tục, đăng ký vay vốn phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.

Hay như tại huyện Bát Xát (Lào Cai) từ tháng 8/2020, Huyện ủy Bát Xát đã đề ra chủ trương phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo có địa chỉ. Đến nay, 499 đảng viên tại 54 cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các xã, thị trấn đã phân công giúp đỡ trên 900 hộ nghèo ở địa phương, cùng với việc lồng ghép vốn tín dụng chính sách tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, thay vào đó là hộ khá.

Cũng từ Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương không chỉ tăng cường ủy thác nguồn vốn thông qua NHCSXH mà con xây dựng các chương trình tín dụng riêng ủy thác qua NHCSXH nhằm đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững.

Đơn cử ở tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi tái đàn năm 2020 sau ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, hỗ trợ 1.484 hộ tái nuôi 37.330 con lợn với số tiền 150 tỷ đồng; ban hành chính sách hỗ trợ cho vay người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 với số tiền là 50 tỷ đồng, giúp cho 1.124 lao động, hộ gia đình có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống; hỗ trợ cho người lao động tỉnh Bình Định đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng từ ngân sách địa phương ngoài các đối tượng Trung ương quy định, chính sách hỗ trợ chăn nuôi tái đàn bò, chính sách cho vay giải quyết việc làm cho người khuyết tật và một số cơ chế chính sách đặc thù riêng khác...

Những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và từng đảng viên đã và đang cộng hưởng chung vào thành quả triển khai tín dụng chính sách xã hội. Qua hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các tỉnh, thành trong cả nước đã ưu tiên tập trung dành hơn 40 nghìn tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác sang hệ thống NHCSXH để thêm nguồn lực cho giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó kế hoạch năm 2024 đến thời điểm này đã đạt trên 5.000 tỷ đồng, hoàn thành trên 100% kế hoạch năm. Điển hình một số chi nhánh NHCSXH nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương cao kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW như: TP Hà Nội 7.921 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 7.250 tỷ đồng, TP Đà Nẵng 2.150 tỷ đồng, Bình Dương 1.942 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.789 tỷ đồng, Đồng Nai 1.392 tỷ đồng...
Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và NHCSXH, Uỷ ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã thực hiện gửi tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” tại NHCSXH. Đến hết năm 2023, số dư tiền gửi tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” của MTTQ Việt Nam gửi tại NHCSXH là 320 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Tín dụng chính sách đã và đang hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng triệu hộ nghèo và đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa trong cả nước.

Những con số này đã góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của cả nước đến 31/12/2023 đạt trên 346 nghìn tỷ đồng. Đây là cơ sở để năm 2023 NHCSXH cho vay được trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 332 nghìn tỷ đồng, với 6,8 triệu khách hàng vay.
 
Tín dụng chính sách đã và đang hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng triệu hộ nghèo và đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa trong cả nước

Bí thư Đảng uỷ NHCSXHTW, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, năm 2023 đánh dấu một năm nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống NHCSXH từ công tác chỉ đạo, điều hành đến việc tham mưu triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở để hoàn thành một khối lượng công việc lớn nhất trong các năm kể từ khi thành lập NHCSXH (2003) đến nay.

Nguồn vốn chính sách đã và đang hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790 nghìn lao động, trong đó giúp gần 8,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 2.600 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 97 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 4 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng trên 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 15 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp... góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây cũng là tiền đề để năm 2024 NHCSXH tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Chính phủ giao. Và, xa hơn nữa là thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, trọng tâm là đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; trở thành công cụ chủ lực của Đảng, Chính phủ trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.

Bài và ảnh: Việt Hải - Thuỳ Trang
Tam Kim đổi thay từ nguồn vốn chính sách
Tam Kim đổi thay từ nguồn vốn chính sách

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sỹ. Trải qua 79 năm (22/12/1944 - 22/12/2023) xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình đang có nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống của bà con nhân dân được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN