Khu định cư 119 'thay da đổi thịt' từng ngày

Gần 120 hộ dân tại Khu định cư 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) ngập tràn hạnh phúc trên vùng đất mới đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Chú thích ảnh
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đẹp làm vó để đánh cá.

Nhiều hộ mới về từ trên lòng hồ thủy điện rất phấn khởi khi được lên bờ, sống trong những ngôi nhà mới khang trang và kiên cố.

Khu định cư 119 tập trung chủ yếu các hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Trước kia, tất cả những hộ này đều có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, việc làm không ổn định. Trước tình hình đó, để người dân ổn định cuộc sống, huyện Bù Gia Mập phối hợp Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 (Quân khu 7) đã tích cực vận động nhà hảo tâm chung tay xây dựng những căn nhà “mơ ước” đưa các hộ dân về sinh sống từ năm 2015.

Hơn 6 năm qua, Khu định cư 119 đã bao phủ một màu xanh cây trồng, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, đường giao thông bê tông phẳng lì, trường mẫu giáo… tạo nên diện mạo tươi mới nơi vùng đất nghèo trước kia.

Chú thích ảnh
Nuôi bò tại Khu định cư 119. 

Tại khu định cư này, mỗi hộ được hỗ trợ đất, nhà ở trên tổng diện tích 400m2 trị giá 60-80 triệu đồng/căn. Cùng đó, bà con còn được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề, giáo dục và y tế, cấp miễn phí cây trồng, con giống… để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đẹp là một trong 30 hộ dân Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn về khu định cư trong năm 2019. Hơn 3 năm thoát cảnh sống trên mặt hồ từ năm 2003, anh Đẹp không giấu niềm vui sướng khi được “lên bờ”. Trên mảnh đất mới trong Khu định cư 119, gia đình anh được cấp nhà xây kiên cố, các con đều có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt, đứa con gái út đã mở tiệm may vá ngay trong Khu định cư 119, có thêm thu nhập ổn định cho gia đình. “Về khu định cư này có nhà cửa nên sinh hoạt sung túc hơn nhiều so với lúc trước. Ở đây có điện, có nước đầy đủ lắm. Có ánh sáng điện nên vào chiều tối, anh em trong xóm có thể qua thăm, trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Trước kia đi làm về, tối đến chỉ có đi ngủ sớm”, anh Nguyễn Văn Đẹp phấn khởi nói.

Chú thích ảnh
 Bê tông hóa Khu định cư 119.

Đặc biệt trong năm 2020, người dân Khu định cư 119 đã không còn lo thiếu nước sinh hoạt mùa khô. Đó là kết quả từ sự vận động của chính quyền địa phương xây ba giếng nước sạch tập trung. Những còn đường đất đỏ đã thay dần bằng đường nhựa, bê tông sạch sẽ đi lại rất thuận tiện.

Anh Điểu Lứ dân tộc S’tiêng kể lại, trước kia ở đội 6, thôn Tân Lập, đường xá đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa, sình lầy, còn nước sinh hoạt trong mùa khô thiếu trầm trọng. Sau khi về Khu định cư 119, đời sống người dân thay đổi rất nhiều, có đường, điện, nước…, nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. “Ngày trước ở đội 6 Tân Lập, mới chuyển lên đây khoảng mấy năm nay. Trước kia đời sống kinh tế người dân ở dưới đó rất khó khăn. Lên khu định cư nhờ Nhà nước quan tâm giúp đỡ, được căn nhà, bò. Chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm nên cảm ơn nhiều lắm. Tôi sẽ cố gắng trồng trọt, chăn nuôi thêm để cải thiện thu nhập”, anh Điểu Lứ chia sẻ.

Chú thích ảnh
Đường điện chiếu sáng cho Khu định cư 119.

Trước sự thay đổi vượt bậc từ đời sống kinh tế đến diện mạo nông thôn trong những năm qua, ông Điểu Đé, Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn cho hay, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo khó khăn về khu định cư này đã thay đổi nhiều, có hộ định cư lâu nhất hơn 6 năm, có hộ mới về khoảng 1 năm. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống sinh hoạt không còn khó khăn như trước. Ở khu định cư này, bà con rất đoàn kết, chịu khó lo làm ăn, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh tốt.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Điểu Hùng cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong những năm qua, đời sống bà con Khu định cư 119 dần ổn định, từng bước thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm từ 7-8%. Sau khi các cấp, các ngành hỗ trợ đất ở, cũng như xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ cây-con giống, đến nay cuộc sống bà con đã đi vào ổn định và phát triển hơn. Các mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, vì đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Hiện những con đường đất đỏ sỏi đá đã không còn, thay vào đó là đường nhựa, bê tông cùng với giàn đèn đã giúp Khu định cư 119 bừng sáng mỗi khi đêm về. Niềm vui đến với người dân nghèo cũng là sự kỳ vọng của những người đã góp công sức, tiền của để xây dựng Khu định cư 119 khang trang, giúp họ thoát cảnh khó khăn, sống du cư, không đất sản xuất, không có việc làm ổn định...

Sự “thay da đổi thịt” từng ngày của Khu định cư 119 chính là thành công trong công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Bù Gia Mập, là bằng chứng khẳng định có “an cư mới lạc nghiệp”.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Đổi thay trên các bản tái định cư ở tỉnh biên giới Lai Châu
Đổi thay trên các bản tái định cư ở tỉnh biên giới Lai Châu

Một mùa Xuân mới lại về, cùng với người dân muôn nơi, đồng bào các dân tộc ở những bản làng tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang náo nức hy vọng một năm mới phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN