Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tỉnh Quảng Nam đang tập trung thực hiện các giải pháp linh hoạt, giải quyết nguồn cung vật liệu xây dựng, tạo mặt bằng sạch, giải ngân theo tiến độ dự án. Tỉnh quyết tâm không để ngâm vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, các dự án liên kết vùng và chương trình mục tiêu quốc gia.
Công trình thi công khẩn cấp kè ngầm, chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, phường Cẩm An, thành phố Hội An là một điển hình trong nỗ lực thi công của đơn vị thi công và sự vào cuộc kịp thời của chủ đầu tư trong việc giải ngân nguồn vốn.
Kỹ sư Đào Tô Văn, chỉ huy trưởng trên công trình cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, thủy triều xuống cạn, hằng ngày trên công trình, đơn vị thi công huy động 60 phương tiện các loại và hơn 120 công nhân, kỹ sư để thi công tuyến đê ngầm dài 550 m, nằm cách bờ hơn 200 mét và tận dụng trên 600.000 m3 cát bổ sung cho bờ biển. Bên cạnh nỗ lực của đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình thực hiện việc giải ngân theo từng hạng mục có khối lượng. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, vừa góp phần giải ngân nguồn vốn đầu tư.
Chủ tịch UBND phường Cẩm An, thành phố Hội An Đinh Dũng chia sẻ, mấy năm trước đây bờ biển Cẩm An sạt lở rất nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực. Được đầu tư xây dựng kè chắn sóng ngoài khơi sẽ ngăn chặn được tình trạng xâm thực bờ biển trong mùa mưa bão. Khi tuyến kè đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ bảo vệ an toàn cho cộng đồng ở bên trong đê, đồng thời tạ ra sinh kế cho người dân trong khu vực.
Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Nam được đánh giá là khá nặng khi lượng vốn đầu tư mới và nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang đạt tổng cộng trên 8.884 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian còn lại của năm 2024, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các địa phương, đơn vị để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất các công trình, dự án trọng điểm, các dự án liên kết vùng, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Châu Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam cho hay, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc tăng cường giao ban hằng tuần hằng tháng với các chủ đầu tư, các đơn vị thi công để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh.
Mặt khác, đối với từng dự án cụ thể, huyện đã sớm xác định kế hoạch, lộ trình hết sức cụ thể trong từng quý, từng tháng, tập trung giải quyết những khó khăn về vật liệu xây dựng, cho ứng vốn và giải ngân vốn theo từng hạng mục cụ thể có khối lượng để vừa tạo điều kiện cho đơn vị thi công, vừa nâng cao khả năng giải ngân qua từng tháng.
Với những giải pháp linh hoạt song đảm bảo đúng quy định pháp luật được triển khai thực hiện, huyện Nam Giang được tỉnh Quảng Nam đánh giá là địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ cao nhất trong toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thẳng thắng nhìn nhận: Tuy đã có nhiều cố gắng, song việc giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2024 vẫn chưa đạt như ý muốn. Đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 24%.
Nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư còn thấp là do nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang khá cao, đi cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều công trình có vốn đấu tư lớn, song gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khiến công trình không thể triển khai thi công.
Mặt khác, nguồn vật liệu xây dựng thông thường như: cát, sỏi, đất đá đều không đáp ứng đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu của công trình, trong khi thời gian để đưa mỏ vật liệu vào khai thác thường kéo dài rất lâu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, tuy nhiên, đến ngày 27/02/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đấu thầu, vì vậy những tháng đầu năm 2024 việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án còn hạn chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Đến ngày 05/7/2024, vốn đầu công năm 2024 giải ngân đạt trên 2.115/8.884 tỷ đồng, đạt 23,8%; cao hơn so với thời điểm 30/6/2023 (20,6%); thấp hơn so với tỷ lệ bình quân của cả nước (27%).
Để tập trung giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam sẽ đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp như: Thành lập các tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công từng công trình cụ thể, qua đó giải quyết tại chỗ những khó khăn vướng mắc; đồng thời, chỉ đạo cụ thể đối với từng công trình trong việc giải ngân nguồn vốn.
Cùng với đó, tỉnh tập trung quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng. Khi đã có mặt bằng sạch, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm trong việc tập trung thiết bị, nhân lực sẽ để đẩy nhanh tiến độ, thi công có khối lượng và chất lượng để giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chuyển vốn từ công trình không có khối lượng sang công trình có khối lượng, sẵn sàng dừng thi công đối với nhà thầu không đảm bảo năng lực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, trong những tháng cuối năm 2024, bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao vốn và chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu, thực hiện việc bồi thường cho người dân đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Điều này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân, không để xảy ra tình trạng ngâm vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.