Các dự án cần được hoàn thành đúng tiến độ và không được gia hạn bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang (cần đưa công trình vào hoạt động trong quý I/2023); Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa (đưa công trình vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2023), Tỉnh lộ 3, Đường Vành đai 2 (đưa công trình vào hoạt động trong tháng 10/2022); Nút giao Ngọc Hội (thông tuyến từ Diên Khánh đến Nha Trang trước Tết Nguyên đán 2023 và hoàn thành toàn tuyến trong năm 2023); Công trình trồng cây xanh trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023).
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm, liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình cầu Xóm Bóng, thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn I) sử dụng vốn vay EDCF của Bộ Giao thông vận tải…, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2022, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực.
Với những dự án trọng điểm của quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh tập trung chỉ đạo đôn đốc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo quy định, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; trong đó, chú trọng quan tâm sinh kế, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án; phát triển nhà ở xã hội và triển khai thí điểm mô hình bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án bằng nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đến cuối tháng 10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn trên 3.600 tỷ đồng cho đầu tư công, so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh ước đạt 57,4%. Địa phương này đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương gần 171,5 tỷ đồng do không còn nhu cầu sử dụng; trong đó, hơn 29 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA.