Huyện nghèo Sốp Cộp thức dậy từ nguồn vốn chính sách

Với quyết tâm chính trị cao và tích cực thực hiện nhiều giải pháp, nguồn lực đầu tư, từ một miền quê nghèo khó, sinh sau đẻ muộn của tỉnh Sơn La, huyện Sốp Cộp đã có những đổi thay lớn lao, đạt những thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội.

Đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng

Sốp Cộp là một huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Sơn La. Thời điểm mới thành lập (cuối năm 2003) cả 8 xã của Sốp Cộp đều nằm trong diện đặc biệt khó khăn, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu đất canh tác, không có tiền mua cây trồng, vật nuôi; toàn huyện chưa có điện lưới quốc gia; đường liên thôn, liên xã quanh co, hiểm trở, đi lại vất vả…. Bởi thế, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng bà con dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú… nơi đây.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Sốp Cộp hoạt động cả thứ 7, chủ nhật, tạo thuận lợi để dân vay vốn ưu đãi.

Cấp ủy Đảng, chính quyền Sốp Cộp xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động cụ thể, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tập trung các nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững.

Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La đã khẩn trương mở phòng giao dịch và đưa những cán bộ tín dụng nhiệt tình, tận tâm về bám bản, bám dân tại vùng cao biên giới cùng thời điểm thành lập huyện Sốp Cộp (2003).

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Sốp Cộp hoạt động cả thứ 7, chủ nhật, tạo thuận lợi để dân vay vốn ưu đãi.

Cùng với các chương trình, dự án về giảm nghèo khác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH đầu tư đến tận các địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng, đã giúp cho đất Sốp Cộp, người Sốp Cộp có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Chính sách về cùng các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại, được tính toán, đề ra phương pháp thực hiện. Thế mạnh nông, lâm nghiệp đã được lựa chọn. Toàn dân, toàn huyện hưởng ứng tham gia phong trào xuống ruộng, lên rừng để tạo nguồn thu, cải thiện cuộc sống cho mình.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Sốp Cộp hoạt động cả thứ 7, chủ nhật, tạo thuận lợi để dân vay vốn ưu đãi.

Nhờ vậy, huyện Sốp Cộp đã chuyển mình mạnh mẽ, đổi thay từng ngày.

Nếu như trước đây, người dân Sốp Cộp chỉ biết đến bắp ngô, củ sắn, củ khoai… để xóa đói, thì nay đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như vùng sản xuất lúa nếp tan, vùng cây ăn quả, tập trung tại các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn; vùng cây cà phê tập trung tại xã Dồm Cang, đem lại thu nhập từ hàng chục, hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Mỗi năm, Sốp Cộp giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo, theo tiêu chí nghèo đa chiều, chỉ còn 25,94% và phấn đấu cuối năm nay xuống dưới 20%.

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, Bí thư huyện ủy Sốp Cộp, bà Dương Tú Anh, cho biết: Để giúp cho vùng đất biên giới Sốp Cộp có điều kiện phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình như 30a, 135, 167 và tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn, trong đó chú trọng đến nguồn vốn tín dụng chính sách, đầu tư kịp thời, hiệu quả cho công tác giảm nghèo, nhanh, bền vững.

“Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Cụ thể, các cấp ủy Đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc khó khăn tại địa bàn”, Bí thư huyện ủy Sốp Cộp khẳng định.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH Sốp Cộp  đã lên đến 16.759 triệu đồng (bao gồm ngân sách tỉnh là 9.550 triệu đồng, ngân sách huyện là 7.209 triệu đồng), đạt 101% kế hoạch tăng trưởng, góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Sốp Cộp lên 420.768 triệu đồng) (tính đến 30/3/2025), tăng so với thời điểm ngày 31/12/2024 là 13.811 triệu đồng.

Có kết quả này, theo Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Đảng NHCSXH huyện Sốp Cộp, ông Nguyễn Thế Cần, trước hết nhờ lãnh đạo địa phương luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tập trung huy động tạo lập các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động.

Tận tâm đưa nguồn vốn đến các đối tượng chính sách

Toàn bộ nguồn vốn do huy động tạo lập được, cùng nguồn vốn ngân sách đơn phương ủy thác, đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Sốp Cộp  đưa về thôn bản, giúp bà con vay vốn thuận lợi, đầu tư sản xuất kịp thời.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng chính sách ở Sốp Cộp luôn tận tâm, gắn bó phục vụ dân nghèo vay vốn, sử dụng vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Mường Và là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, nơi sinh sống của phần lớn người dân tộc Lào. Trong hành trình vươn lên thoát cái nghèo đeo bám, người dân nơi đây đã được sự động viên của lãnh đạo xã, nhất là được NHCSXH tiếp sức để phát triển sản xuất thoát nghèo nhanh. Cán bộ tín dụng chính sách, cùng đích thân giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Thế Cần, đã xuống tận các bản của xã, trực tiếp hướng dẫn bà con vay vốn thuận lợi, đầy đủ; còn giúp đỡ 90 hộ dân ngụ tại bản Nà Mòn sử dụng vốn chính sách tham gia chuyển đổi cây trồng từ ruộng lúa, đồi sắn thu nhập thấp sang trồng cam, hộ ít thì vào chục gốc, hộ nhiều có đến 3-4 ha, đạt năng suất trên 10 tấn quả, ha; có hộ đồng bào dân tộc thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây cam.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng chính sách ở Sốp Cộp luôn tận tâm, gắn bó phục vụ dân nghèo vay vốn, sử dụng vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Hộ anh Lò Văn Thuần, là một trong những hộ đầu tiên của bản chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng. Anh Thuần cho biết: “Thời điểm ban đầu, gia đình tôi chuyển gần 1 ha cây lương thực sang trồng cam, vừa trồng, vừa học kỹ thuật, kinh nghiệm. Cũng có lúc nản lòng, thoái chí, bỡ ngỡ, nhưng may mà trời không phụ lòng người, trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch gần 10 tấn quả. Giờ đây, chúng tôi đã thành lập HTX với 11 thành viên, có 12 ha cam”.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng chính sách ở Sốp Cộp luôn tận tâm, gắn bó phục vụ dân nghèo vay vốn, sử dụng vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Những cán bộ tín dụng chính sách trên miền biên giới Sốp Cộp đã bền bỉ làm nhiệm vụ “3 cùng”: (cùng bám cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể, cùng tận tình hướng dẫn đồng bào DTTS vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả). Đơn cử như đã tuyên truyền, vận động bà con xã Dồm Cang vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi cải tạo đất, mua phân bón vinh sinh để trồng, chăm sóc vùng trồng cà phê hữu cơ.

Từ nguồn vốn vay  của NHCSXH, nhiều hộ dân đã tham gia và hình thành vùng chuyên canh cà phê, phần đông số hộ đó có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 11,53%.

Dòng vốn tín dụng chính sách đã phủ kín vùng đất biên giới Sốp Cộp rộng lớn gần 147 nghìn ha, giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng.

“Chính những cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Sốp Cộp đã thường xuyên bám sát địa bàn, xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn bản và hệ thống Điểm giao dịch xã để làm cầu nối vững chắc, giúp người dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi và gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa “Ngân hàng - chính quyền - đoàn thể - Tổ TK&VV, giúp vốn tín dụng chính sách đến với mọi thôn bản. Những năm gần đây, hình thức “giao dịch tại nhà” và “giải ngân thu nợ tại xã” cũng tạo điều điện thuận lợi cho bà con vay vốn và giảm chi phí đi lại”, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT - NHCSXH huyện Sốp Cộp, ông Vũ Văn Quân chia sẻ.

Các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương luôn ghi nhận tinh thần vượt khó, tận tâm thực thi nhiệm vụ của những cán bộ tín dụng chính sách nơi đây đã huy động tạo lập được nguồn vốn lớn và chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đó đến tận hộ nghèo và các đối tượng chính sách, mở lối thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Đông Dư
Dấu ấn tín dụng chính sách trên cao nguyên Chư Sê
Dấu ấn tín dụng chính sách trên cao nguyên Chư Sê

Đến tháng 4/2025, là tròn 22 năm các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tại huyện Chư Sê, nằm ở phía nam tỉnh Gia Lai, giúp cho vùng đất này có những đổi thay rõ rệt, no ấm, trù phú hơn hẳn những năm xưa. Và trong hành trình của tín dụng chính sách ấy, có vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN