Huy động, bố trí nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tỉnh ủy Cà Mau chủ trương nghiên cứu, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (có thể đưa vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp để đại hội thảo luận, quyết định) và hằng năm của tỉnh, của huyện theo điều kiện, khả năng thực tế để làm cơ sở huy động và bố trí nguồn lực thực hiện.

Chú thích ảnh
Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 nâng cao chất lượng nhà ở, tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố, không để phát sinh nhà ở đơn sơ. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Cơ quan chức năng tỉnh nghiên cứu hình thành, sử dụng quỹ phát triển nhà ở và quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để tham gia và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; rà soát, cân đối ngân sách tỉnh, huyện để đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng chính sách, thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Tỉnh huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.

Cà Mau cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội; nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội khi đủ điều kiện.

Cùng đó, tỉnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội đang thực hiện; khắc phục nhanh, kết hợp với kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng chậm trễ, kéo dài tiến độ thực hiện dự án.

Tỉnh ủy cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, nhất là quản lý chặt chẽ việc đầu tư, xây dựng, bán, cho thuê, thuê mua và sử dụng căn hộ các dự án nhà ở xã hội gắn với việc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất và sử dụng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đúng mục đích; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng văn bản cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm quy định pháp luật và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại các vị trí thuận tiện về giao thông; ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy khuyến khích đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp, đảm bảo chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện an toàn theo quy định. Phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho công đoàn viên, người có thu nhập thấp với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê.

Cà Mau định hướng triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, đề án của Trung ương hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách là người có công, thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kết hợp giữa hỗ trợ của Trung ương với hỗ trợ của địa phương, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết: Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Cà Mau đã ban hành Ðề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, toàn tỉnh có 4.400 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được xây dựng, sửa chữa, với nhu cầu tổng kinh phí 235,8 tỷ đồng, gồm các nguồn lực: ngân sách Nhà nước, quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, xã hội hóa và nguồn vận động hợp pháp khác. Kế hoạch năm 2024 đặt mục tiêu xây mới, sửa chữa 400 căn, nhưng với quyết tâm cao, tỉnh đã khởi công 1.270 căn, tiến độ giải ngân 36 tỷ đồng.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho thấy: tính đến cuối tháng 1/2025, Cà Mau đã khởi công 1.286 căn nhà ở xã hội, trong đó xây dựng hoàn thành 1.054 căn bàn giao cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo..., thuộc diện khó khăn về nhà ở theo đúng tiến độ đề ra.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 vị trí quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gồm 7 dự án đã có chủ trương đầu tư, 7 dự án chưa có chủ trương đầu tư thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, 1 dự án đang xin thực hiện hình thức nộp tiền.

Về tiến độ thực hiện, tỉnh có 1 dự án đang thi công xây dựng và đang xây dựng hoàn thành cơ bản 45 căn nhà ở xã hội, 2 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại đang giải phóng mặt bằng.

Mặc dù tỉnh có nhiều quỹ đất dành cho nhà ở xã hội được bố trí (bố trí độc lập và bố trí diện tích đất ở trong dự án xây dựng nhà ở thương mại của chủ đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội) nhưng chưa thực hiện hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào vốn doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đang khó khăn về nguồn vốn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch, nhất là còn e ngại với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nên chưa ưu tiên, mạnh dạn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Hạn chế của địa phương là điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng nền đất yếu, không khai thác được vật liệu xây dựng tại chỗ dẫn đến chi phí đầu tư cao so với các địa phương khác.

Kim Há (TTXVN)
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội

Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại khu vực đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN