Hòa Bình: Hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng đưa kinh tế phát triển bền vững  

Với lợi thế là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nhằm chuyển đổi cây trồng, chế biến sản phẩm từ cây trồng. Các dự án, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm... đã giúp đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế của tỉnh đầu tư vào canh tác, sơ chế, chế biến cây trồng. 

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) thu hoạch mía niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Tỉnh Hòa Bình chú trọng đưa vào nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như tại huyện Cao Phong, ngoài cây cam là chủ lực, huyện đã thử nghiệm và mở rộng thành công các loại cây mía, ổi, bưởi đỏ…

Hiện nay, huyện Cao Phong có gần 2.500 ha diện tích trồng mía (trong đó mía tím 592,1 ha, mía trắng ép nước 1.854,6 ha) chủ yếu trồng ở xã Tây Phong.

Gia đình anh Bùi Văn Bình, xóm Bản, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, có hơn 1ha trồng mía tím cho niên vụ 2024-2025. Anh Bình cho biết, giá thương phẩm mía tím bình quân 5.000 - 6.000 đồng/cây (tùy chất lượng cây mía trong quá trình chăm sóc mà có giá bán cao hơn), bình quân gia đình thu nhập khoảng 160 - 200 triệu đồng/ha.

Với cây mía trắng ép nước, các hộ nông dân đã thu hoạch khoảng gần 70% diện tích với giá bán cây thương phẩm bình quân khoảng 3.000 - 4.000 đồng/cây giá trị bình quân ước khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Khánh Hùng chăm sóc vườn bưởi ruột đỏ. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Gia đình ông Nguyễn Khánh Hùng, ở xóm Lãi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, là người tiên phong chuyển đổi cây trồng nông nghiệp trên địa bàn xã Tây Phong huyện Cao Phong khi trồng thành công giống ổ Ruby ruột đỏ và bưởi đỏ trên điện tích gần 7.000 m2 mang lại giá trị thu nhập kinh tế cao, ổn định.

Ông Hùng chia sẻ, ổi ruby ruột đỏ vào mùa thu hoạch được thương lái đến thu mua tận vườn, do là cây trồng mới, ít người trồng và không phải cạnh tranh giá thành trong khu vực nên không lo đầu ra. Doanh thu hàng năm của gia đình từ vườn ổi ruby và bưởi đỏ đạt từ 150 - 180 triệu đồng/năm.             

Ông Bùi Văn Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong cho biết, những cây trồng như ổi ruby ruột đỏ, mía… là hướng đi tiềm năng cho người nông dân trong chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng đất nổi tiếng với sản phẩm cam Cao Phong, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục khuyến khích hỗ trợ địa phương duy trì và phát huy vùng trồng cây có múi đồng thời xen canh phát triển các cây trồng phù hợp thổ nhưỡng của địa phương, đảm bảo tính bền vững, chất lượng sản phẩm, hình thành và nhân rộng các vùng trồng na, mía, ổi…  

Bên cạnh các loại cây ăn quả, tỉnh cũng đã triển khai trồng tại nhiều địa phương như huyện Yên Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi…

Từ năm 2021 đến nay, huyện Yên Thuỷ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã quy hoạch vùng trồng dược liệu gồm 3 xã: Yên Trị, Đa Phúc, Lạc Lương. Các xã đã chủ động chọn các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Hiện, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện là 188 ha, gồm: Cà gai leo, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh… được hộ gia đình liên kết với HTX nông nghiệp để sản xuất tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm dược liệu của nhiều HTX   đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao như: cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị…

Theo thống kê của các ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 2.350 ha dược liệu, trong đó có gần 200 ha trồng xen trên đất rừng, còn lại được trồng trên đất cây hàng năm, cây lâu năm. Tỉnh phấn đấu đến 2025 phát triển khoảng 8.500 ha cây dược liệu bằng việc tận dụng tốt quỹ đất vườn, gò đồi, bưa bãi. Trong đó, phát triển khoảng 1.800 ha trồng cây dược liệu trên đất rừng với các loài cây như: Cà gai leo, Sachi, Sa nhân, Hà thủ ô, Đương quy, Giảo cổ lam, Xạ đen, Ba kích, Huyết đẳng, Linh chi, Khôi nhung, Gừng, Nghệ,…  

Hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho người dân tại tỉnh Hòa Bình. Với sự đồng hành của chính quyền trong việc tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm… sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, hướng tới phát triển bền vững.                              

PV
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước. Kinh tế phát triển với công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN