Hòa Bình: Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội 8 tháng năm 2024

Tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhờ đó, 8 tháng năm 2024, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nổi bật là trong tháng 8, thu ngân sách của tỉnh đạt gần 4.300 tỷ đồng, bằng 106% so với dự toán được giao, bằng 75% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và bằng 183% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa là 4.000 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu ước đạt trên 2.900 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương ước thực hiện trong tháng đạt trên 20.600 tỷ đồng, bằng 143% so với dự toán được giao và bằng 128% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ngành Ngân hàng triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của Ngành đến các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 248 tỷ đồng so với năm 2023.

Trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 34.815 tỷ đồng. Tổng dư nợ trên toàn địa bàn đạt 40.600 tỷ đồng, tăng 1,4%. Ước thực hiện đến 31/8/2024 tổng nguồn vốn của các tổ chức tính dụng trên địa bàn tăng 2%; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% tổng dư nợ.

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Phú Điền; Công Ty TNHH hạt giống Nova ủng hộ hạt giống cho các địa phương trong tỉnh Hòa Bình. khôi phục sản xuất sau bão và thúc đẩy sản xuất vụ Đông 2024 Ảnh: Vũ Hà/TTXVN

Trên lĩnh vực Nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 38.190/44.508 ha, bằng 85,8% so với kế hoạch. Các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và chăm sóc các loại đã trồng, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương và cơ cấu mùa vụ.

Tổng đàn trâu hiện có 113.400 con, đàn bò hiện có 91.600 con, đàn lợn là 488.300 con, tổng đàn gia cầm 8.800 nghìn con, đàn dê duy trì trên 51.000 con. Sản lượng các sản phẩm từ chăn nuôi đều tăng nhẹ, cụ thể, sản lượng gia cầm bằng 100,57% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu bằng 99,18%; đàn bọ tăng 100,29%; đàn lợn bằng 103,29%.

Trong tháng, toàn tỉnh đã sản xuất được trên 125 triệu cá giống và 2,4 triệu cây giống phục vụ trồng rừng; đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình thực tế tại khu xử lý nước thải công nghiệp tại cụm công nghiệp Tiên Tiến. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 8 ước tăng 17,93% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng ước tăng 53,33%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 22,34%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí ước tăng 15,49%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 7,99%.

Ước tính sản lượng điện sản xuất là 1.404,9 triệu kwh, tăng 18,39% so với cùng kỳ, điện thương phẩm ước tính là 134 triệu, tăng 11,21%. Từ đầu năm đến nay, chỉ số cộng dồn sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tăng 10,86%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 1,07% so với tháng trước, tăng 18,02% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng ước đạt 48.700 tỷ đồng, thực hiện 65,52% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 0,27% so với tháng trước, chỉ số bình quân cùng kỳ đạt 2,24%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt trên 169 triệu USD, tăng 1,22% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 1.300 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ, thực hiện 65,34% kế hoạch năm.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 114 triệu USD, tăng 0,01% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng ước đạt 916 triệu USD, tăng 16,11% so với cùng kỳ, thực hiện 66,58% kế hoạch năm.

Cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp cấp Đăng ký kinh doanh cho 100% hồ sơ đúng và trước thời hạn theo quy định. Trong tháng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới 76 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 491 tỷ đồng và 26 đơn vị trực thuộc. Có 1 dự án đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 555 tỷ đồng.

PV
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước. Kinh tế phát triển với công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN