Có 25 tham luận được gửi tới Hội thảo “Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022", trong đó 12 tham luận trình bày tại hội thảo.
Các tham luận đã tập trung làm rõ những nội dung: Tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; những thuận lợi, khó khăn, bất cập của mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các địa phương; sự cần thiết phải xây dựng bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm thống nhất một đầu mối…
Đại diện Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh đã giúp giải quyết những hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành. Sở An toàn thực phẩm là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố, là đầu mối thống nhất tổng hợp tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Việc kết hợp lực lượng quản lý đã làm tăng hiệu quả trong phân công, xử lý công việc khi chỉ còn một đầu mối. Sự sáng tạo của mô hình tổ chức các Đội Quản lý An toàn thực phẩm trực tiếp tại địa phương đã tạo ra mạng lưới quản lý rộng, toàn diện và trực tiếp tại địa phương, góp phần nắm bắt địa bàn, quản lý sát và kịp thời. Công tác phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tại địa phương thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả", đại diện Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, mô hình Sở An toàn thực phẩm đã cụ thể hóa được chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đồng thời cho phép tập trung đầu mối quản lý an toàn thực phẩm đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nhờ đó, công tác nắm bắt tình hình thực tiễn được bao quát hơn, đồng thời giúp cho công tác tham mưu và giải quyết các vấn đề về mất an toàn thực phẩm được kịp thời hơn. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trong lĩnh vực này vì vậy cũng nhanh chóng hơn, do giảm được thời gian phát hành văn bản phối hợp qua lại giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan.
"Việc thống kê, tổng hợp và triển khai các quy định về quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một đầu mối Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong việc thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm…", đại diện an Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
Về phía tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, khẳng định: Từ khi Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh được thành lập đến nay, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
"Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm không ngừng nâng cao, góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai phong phú và đa dạng số người được tập huấn, phổ biến kiến thức tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra được thống nhất và hiệu quả hơn; công tác giám sát mối nguy được chủ động; số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc giảm mạnh (giảm 4 lần), số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc giảm 2,5 lần so với cùng kỳ giai đoạn trước. Từ năm 2021 đến nay, không xảy các các vụ ngộ độc có trên 30 người mắc...", ông Nguyễn Vinh Thanh chỉ rõ.
Được biết, bộ máy quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong toàn quốc hiện có 4 mô hình cụ thể: Sở An toàn thực phẩm (TP Hồ Chí Minh), Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Đà Nẵng, Bắc Ninh), Chi cục An toàn thực phẩm, Phòng An toàn thực phẩm (thuộc Sở Y tế). Với mỗi mô hình, trong quá trình triển khai, đều có những ưu điểm và bộc lộ những hạn chế riêng.
Đơn cử như việc hệ thống cơ cấu tổ chức bộ máy còn chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; Ban là mô hình thí điểm, nên chức năng, nhiệm vụ không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khó khăn trong thực thi nhiệm vụ...
Mục tiêu hướng tới là xây dựng một mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả không chồng chéo phù hợp với tình hình mới như hiện nay, theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương.