Theo đó, Hậu Giang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 19/7/2021.
Tỉnh Hậu Giang đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16; bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân; có kế hoạch, hướng dẫn tiểu thương tại chợ truyền thống, tiếp nhận hàng hóa, nhất là mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống.
Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các giải pháp mua sắm trực tuyến của các siêu thị, hệ thống phân phối lớn nhưng phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch; phối hợp với các địa phương tổ chức các điểm bán hàng phù hợp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không thể đặt hàng, mua sắm trực tuyến; kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, tăng giá.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hậu Giang, đến nay, tỉnh có tổng số 55 ca mắc và nghi mắc COVID -19; trong đó, có 28 ca đã được công bố. Trên địa bàn tỉnh đã có bốn chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng tại xã Long Phú, xã Tân Phú, thị trấn Mái Dầm và hai xã Thuận Hòa, Xà Phiên; xuất hiện ổ dịch COVID-19 phức tạp tại xã Thuận Hòa, Xà Phiên (huyện Long Mỹ), thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A).
Trong ngày 18/7, tỉnh Hậu Giang đã có quyết định thiết lập ba vùng cách ly y tế để để phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn xã Thuận Hòa và xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ).
Cụ thể, vùng cách ly y tế toàn bộ ấp 1, xã Thuận Hòa, tổng số 493 hộ dân, với 1.678 nhân khẩu. Vùng cách ly y tế toàn bộ ấp 8, xã Xà Phiên, tổng số 182 hộ dân, với 782 nhân khẩu. Vùng cách ly y tế một phần ấp 3, xã Xà Phiên (đoạn từ nhà Ông Út Nuôi đến cầu nhà bà Năm Lùng thuộc ấp 3, xã Xà Phiên; đoạn từ kênh Hậu Giang 3 đến Cầu Ba Danh và đoạn từ kênh Hậu Giang 3 đến nhà ông Mi - giáp xã Thuận Hưng), tổng số 213 hộ dân, với 809 nhân khẩu.
*Ngày 18/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau nêu rõ: Toàn tỉnh đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 trường hợp là người nước ngoài đã gần xuất viện. Nguyên nhân làm lây nhiễm bệnh trong cộng đồng được xác định do người dân đi làm việc ở vùng có dịch trở về tỉnh Cà Mau bằng xe gắn máy, nhưng lại khai báo gian dối và không thực hiện đúng quy định về cách ly phòng, chống dịch, dẫn đến chùm ca bệnh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình và xã An Xuyên, thành phố Cà Mau. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn nguồn lây bệnh ngay từ gốc...
Từ thực tế trên, Cà Mau đã xem xét áp dụng ''biện pháp mềm'' trong thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh không ''ngăn sông cấm chợ'', song người đứng đầu tỉnh này yêu cầu người dân hạn chế ra đường, không tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19. Biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tiểu thương tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong hai tuần thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, nhằm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng cao bất hợp lý’’.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định rõ quan điểm; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương làm thật tốt tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tiểu thương, người dân thực hiện thật nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K của ngành y tế.
Trước sự việc nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ vừa gây bất ổn thị trường, vừa tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông Nguyễn Tiến Hải cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp, tiểu thương cũng đã chuẩn bị, dự trữ nhiều hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực; thực phẩm; rau, củ, quả...
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội chỉ diễn ra 14 ngày, từ 0 giờ ngày 19/7/2021. Tuy vậy, Sở Công Thương tỉnh đã dự báo nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ hơn 1,1 triệu dân mua sắm kéo dài đến 25 ngày. Tổng giá trị hàng hóa được hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong toàn tỉnh chuẩn bị khoảng trên 1.430 tỷ đồng, gồm có 13 nhóm hàng; trong đó, gạo tẻ 44.054 tấn, thịt lợn gần 9.026 tấn, thịt gia cầm 2.540 tấn, trứng 282.613 quả, thủy sản khác 424.103 tấn, rau củ 148.933 tấn...
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả người dân bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý chặt chẽ về nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu. Từ siêu thị cho đến các chợ truyền thống, chợ tạm phải thực hiện niêm yết và bán đúng giá đã được niêm yết. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng xảy ra dịch bệnh để tăng giá hàng hóa gây bất thị trường nhằm mục đích trục lợi; đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân nhanh chóng phản ảnh việc tăng giá hàng hóa bất hợp lý cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý vụ việc vi phạm...
Ngành y tế triển khai thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt quản lý, điều trị thật kỹ các trường hợp F0, không để xảy ra ca tử vong; nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng khám chữa bệnh trong hệ thống bệnh viện; chủ động bố trí đủ nguồn lực, thiết bị y tế để làm tốt nhiệm vụ xét nghiệm; quản lý, cách ly, điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng đề nghị chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường quản lý chặt chẽ tàu cá, ngư dân ra vào cửa biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép; có biện pháp linh động, phù hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh lây lan ở vùng biển Cà Mau...
*Chiều 18/7, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký ban hành Công văn số 7030/UBND-VHXH về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo đó, kể từ 00 giờ ngày 19/7, tất cả 15/15 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh 14 ngày. Các biện pháp hạn chế áp dụng thực hiện nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, ấp, khu phố cách ly với ấp, khu phố, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, huyện - thị xã - thành phố cách ly với huyện - thị xã - thành phố; tạm dừng tất cả các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn, kể cả các chợ truyền thống; tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất… và các hoạt động khác theo kế hoạch phối hợp hoặc thông báo của UBND các tỉnh, thành phố); hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân; tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm hành chính công thành phố Tân An và các huyện, Trung tâm phục vụ hành chính tỉnh. Trường hợp có nhu cầu cần giải quyết, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.
Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở này chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch.
Tỉnh Long An yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ). Trường hợp khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà...
Trước đó, ngày 8/7, UBND tỉnh Long An đã thực hiện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại thành phố Tân An và các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc; áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 tại 10 huyện, thị xã còn lại trong tỉnh.
Tính đến chiều tối 17/7, Long An có 714 ca mắc COVID-19 (trong đó, có 698 ca trong cộng đồng, 16 ca nhập cảnh được cách ly ngay); 4.706 trưởng hợp cách ly tập trung; 10.927 trưởng hợp cách ly tại nhà; điều trị khỏi 32 ca; 4 ca tử vong.