Chiều 30/11, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng; cho phép chuyển diện tích đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình năm 2021; rà soát danh mục các dự án đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chấp thuận thu hồi đất đã quá 3 năm nhưng chưa thực hiện được.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khẳng định, từ năm 2016 đến nay, việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất đã được các cơ quan chức năng quan tâm, triển khai sớm nhất là các dự án cho thuê đất, các công trình kết cấu hạ tầng và các điểm dân cư để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn quan trọng trong hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Công tác thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã thực hiện đúng theo phân bổ, đảm bảo quỹ đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ông Hưng cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá lại các công trình, dự án dựa trên kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh và các nguyên tắc, tiêu chí, quy định của pháp luật khi thu hồi đất.
Đối với các dự án chuyển tiếp, cần có đánh giá cụ thể và chỉ gia hạn đối với các dự án đang triển khai hoặc đã triển khai được phần lớn đất được giao. Đối với các dự án, công trình mà không triển khai trong vòng 3 năm trở lại đây thì xem xét để thu hồi đất.
Ngày 26/11, tại thành phố Hải Dương, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức chất vấn giữa 2 kỳ họp về “Việc thực hiện các kết luận sau giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh”.
Mới đây, phát biểu tại phiên chất vấn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về “Việc thực hiện các kết luận sau giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh”, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tổng rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn để nắm rõ nguyên nhân của các dự án chậm tiến độ; đồng thời cần đề xuất cơ chế, chính sách hoặc chế tài để xử lý các dự án chậm tiến độ này. Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, tiến hành kiểm tra, giám sát tiến độ của các dự án trên địa bàn và phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được và cùng giám sát. Đối với mỗi dự án, tỉnh cần có quy định cụ thể để tránh nhà đầu tư lợi dụng cơ chế chính sách để trục lợi, nhất là khi tiến hành chuyển quyền đầu tư dự án.
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết: Kế hoạch sử dụng đất được duyệt năm 2020 cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh là trên 7.338ha với 1.973 công trình, dự án. Kết quả thực hiện ước hết tháng 12/2020 là 1.062 công trình dự án với diện tích là trên 3.195ha, đạt 43,5% kế hoạch được duyệt, gồm: Đất quốc phòng, an ninh, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, đất chợ, đất đô thị…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, kết quả sử dụng đất năm 2020 vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn vướng mắc, thời gian kéo dài. Một số dự án sản xuất kinh doanh, dự án khu đô thị, nông thôn tiến độ triển khai còn chậm. Một số công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương do thiếu vốn nên việc giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài.
Nguyên nhân của việc thực hiện chậm, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương là do một số địa phương đề xuất danh mục công trình, dự án mang tính chất đón đầu, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, chưa chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã đăng ký nên chưa sát với thực tế, chưa sát với chương trình xây dựng nông thôn mới dẫn đến khi triển khai thiếu vốn, việc huy động vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn. Một số công trình, dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh bố trí vốn chậm, kéo dài qua nhiều năm chưa được thực hiện như: Khu công nghiệp, đất an ninh, quốc phòng, đất sản xuất phi nông nghiệp... Các công trình, dự án triển khai chậm còn do việc tuyên truyền, vận động đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức; Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án và các ngành còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện...
Để hoàn thành kế hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đề nghị lãnh đạo các địa phương và các ngành chức năng khẩn trương thực hiện các dự án, công trình đang dở dang; tập trung nguồn vốn tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; tích cực triển khai xây dựng các dự án, công trình nông thôn mới; tạo điều kiện giúp chủ đầu tư thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất, hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng để trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao đất để thực hiện dự án. Các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện và xử lý thu hồi đối với các dự án đã quá thời hạn quy định…
Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương chấp thuận các dự án, công trình thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh là trên 6.572ha để thực hiện 567 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; cho phép chuyển mục đích sử dụng trên 796 ha đất trồng lúa, trên 18ha đất rừng phòng hộ và 1ha rừng đặc dụng để thực hiện 491 dự án, công trình có sử dụng đất năm 2021.
Năm 2020, Hải Dương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa là trên 1.103ha để thực hiện các dự án, công trình như: Trụ sở làm việc cơ quan nhà nước, trạm y tế, trường học, xây dựng các khu dân cư mới…