Niềm vui từ những cây cầu
Với địa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng, thị xã Kinh Môn vốn là một huyện đảo được bao bọc bởi 4 con sông lớn, giao thương phụ thuộc đò, phà. Địa thế này là lực cản không nhỏ, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Kinh Môn trong suốt nhiều năm. Với sự quan tâm của tỉnh Hải Dương, lần lượt các công trình giao thông trọng điểm được xây dựng từng bước giúp Kinh Môn kết nối thuận lợi với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tháng 11/2019, Kinh Môn chính thức trở thành thị xã.
Mới đây, tháng 8/2019, cây cầu Mây khởi công tại vị trí bến phà Tuần Mây với tổng mức đầu tư trên 340 tỷ đồng. Cầu bắc qua sông Kinh Môn, có đường dẫn dài 594m, điểm đầu là xã Thăng Long, Kinh Môn và điểm cuối là xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành. Sau hơn 10 tháng thi công khẩn trương, tháng 6/2020, cây cầu được khánh thành trong niềm vui hân hoan của người dân Kinh Môn.
Có cây cầu Mây, cả một vùng phía Tây thị xã Kinh Môn nói riêng, Kinh Môn và các vùng lân cận nói chung . Ông Lương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lộ Xá, xã Thăng Long, Kinh Môn phấn khởi: “Vui lắm chứ! Có cầu rồi, làm ăn buôn bán sẽ tiện hơn nhiều so với trước”.
Xã Thăng Long có 235,83 ha đất canh tác; trong đó, hành tỏi chiếm 95% diện tích. Ông Lương Văn Hùng kể trước kia, qua sông phải đò, phà nên việc mua bán các mặt hàng nông sản rất hạn chế. Từ khi có cầu Mây, thương lái trong và ngoài tỉnh đã về tận nhà ông để mua hàng. Tương tự, việc tiêu thụ cây hành, tỏi- cây vụ đông chủ lực của địa phương thuận tiện hơn, người dân được hưởng lợi nhiều, thu nhập sẽ ngày một tăng lên.
Tiếp nối dự án cầu Mây, những cây cầu mới là cầu Triều và cầu Dinh đang khẩn trương xây dựng kết nối Kinh Môn với các tỉnh, thành phố lân cận, sẽ là bước ngoặt lớn, mở ra chặng đường mới, khơi dậy tiềm năng của thị xã trẻ.
Dự án cầu Triều và đường dẫn nối Quốc lộ 18A thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với đường tỉnh 389 thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng được tỉnh Quảng Ninh khởi công cuối năm 2019, phía Hải Dương làm 4 km đường dẫn nằm trên địa bàn phường Thất Hùng và xã Lê Ninh.
Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông xe kỹ thuật vào quý IV/2020. Ông Bùi Danh Biển, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Phượng Hoàng, đơn vị thi công đường dẫn cầu Triều phía Hải Dương cho biết: “Theo kế hoạch, phần đường dẫn do công ty thi công sẽ xong trong tháng 3/2021 nhưng hiện tại, chúng tôi đang tăng cường nhân lực, máy móc để triển khai, phấn đấu xong trước 31/12/2020. Có những ngày, chúng tôi tăng lượng máy móc gấp 3 lần so với bình thường, trên công trường thường duy trì gần 200 công nhân”.
Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thiện sẽ hình thành tuyến giao thông liên kết vùng giữa thị xã Đông Triều với thị xã Kinh Môn, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế của hai địa phương nói riêng, hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh trong tương lai.
Cầu Dinh vượt sông Kinh Thầy, nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn có tổng mức đầu tư khoảng 269 tỷ đồng; trong đó, được Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2020. Hiện nay, thị xã Kinh Môn và các ngành, chức năng của tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Đây cũng là cây cầu mơ ước bao đời của người dân Kinh Môn. Sau khi hoàn thành, cây cầu hứa hẹn sẽ thêm động lực phát triển mới cho thị xã.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kinh Môn cho rằng, các công trình giao thông quan trọng được xây dựng có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy việc liên kết vùng, tạo cho Kinh Môn có thế đột phá mới. Đây cũng là điều kiện để Kinh Môn tiếp tục vươn xa hơn nữa.
Phát triển liên kết vùng về công nghiệp, du lịch
Theo định hướng phát triển của tỉnh Hải Dương trong những năm tới, thị xã Kinh Môn tiếp tục được xác định là một cực tăng trưởng lớn của tỉnh. Bên cạnh những cây cầu mới được tỉnh và các tỉnh, thành phố bạn phối hợp xây dựng, Kinh Môn cũng tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nội thị. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư nhằm củng cố, phát triển công nghiệp, cải tạo công nghiệp nặng, phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, trong giai đoạn tới, Kinh Môn sẽ chủ động mời gọi các nhà đầu tư về các hạ tầng kỹ thuật, tạo một hạ tầng liên kết đồng bộ ngay trong nội bộ thị xã”. Trên cơ sở đó, Kinh Môn sẽ thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, những lĩnh vực phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Kinh Môn sẽ không thu hút các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Cùng với những cây cầu giúp tăng cường kết nối với bên ngoài, giai đoạn 2020 - 2025, Kinh Môn cũng tập trung triển khai một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khu vực nội thị; xây dựng đường gom Quốc lộ 17B, cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường như: ĐH5, ĐH6, ĐH 7; đường trục Hiến Thành - đò An Thủy, xây dựng đường mới từ đường ĐH7 đến đường trục bắc nam; xây dựng tuyến đường mới kết nối trung tâm thị xã đến cầu Triều (đoạn từ phường Thất Hùng sang phường Phạm Thái)…
Bên cạnh tài nguyên khoáng sản, Kinh Môn cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch. Tận dụng hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, hoàn thiện, thị xã trẻ xác định liên kết vùng trong phát triển du lịch sẽ là hướng đi trong những năm tới; trong đó, tập trung liên kết với thành phố Chí Linh (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng.
Từ nay đến năm 2025, Kinh Môn là phát huy lợi thế về giao thông thủy, bộ, tạo ra sự phát triển đồng đều, cân đối giữa các phường, xã và các khu vực trong toàn thị xã. Cùng với đó, tập trung nguồn lực, phối hợp với thành phố Chí Linh và tranh thủ nguồn đầu tư của tỉnh để xây dựng cầu Vạn, tạo sự kết nối vùng, khai thác các tiềm năng du lịch của các khu di tích quốc gia của thị xã với thành phố Chí Linh và các tỉnh khác. Mặt khác, đẩy mạnh tạo nguồn thu và thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đô thị loại IV, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kinh Môn Nguyễn Thị Liễu, hiện nay, Kinh Môn đang đề nghị Chính phủ phê duyệt quy hoạch để bảo tồn giá trị các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đề xuất Trung ương và tỉnh phát huy lợi thế từ kết nối giao thông liên vùng, kết nối các di tích lịch sử của Hải Dương với khu di tích lịch sử ở Đông Triều, Quảng Ninh và khu di tích Bạch Đằng Giang, Hải Phòng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn, tạo điều kiện cho du lịch của Kinh Môn và của Hải Dương nói chung phát triển.