Theo ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương, hiện nay Hải Dương đang khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị, sản xuất vì môi trường. Tuy vậy, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn chưa được phát triển rộng rãi trong tỉnh.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các chủ trang trại đã chia sẻ về vai trò của nông nghiệp tuần hoàn, thực trạng, bài học kinh nghiệm và bàn giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tìm hướng đi cụ thể cho Hải Dương trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn là giảm phát thải ô nhiễm, kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu, tái tạo hệ thống tự nhiên, coi chất thải là tài nguyên. Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, người sản xuất, sản phẩm an toàn chất lượng cao, giúp cho nông nghiệp bền vững hơn…
Việt Nam hiện đã có chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn, có Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Thực tế đã có những mô hình nông nghiệp an toàn như: VAC, mô hình lúa - tôm, lúa - rươi, chăn nuôi an toàn… Tiềm năng để Việt Nam phát triển nông nghiệp tuần hoàn rất lớn. Tuy vậy, nông nghiệp tuần hoàn còn khá mới mẻ và gặp nhiều rào cản, như: rào cản về chính sách, văn hóa, thông tin, tài chính, công nghệ và kỹ thuật, mạng lưới cung cầu, nhận thức nông nghiệp tuần hoàn còn chưa đầy đủ.
Tại Hải Dương, theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã và đang được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Những mô hình về nông nghiệp tuần hoàn điển hình của Hải Dương là vùng lúa - rươi hữu cơ ở Tứ Kỳ cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha. Các nơi như Kinh Môn, Nam Sách, Cẩm Giàng đã đang tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp cho sản xuất, cho thu nhập 250 - 400 triệu đồng/ha. Chăn nuôi theo VietGAP được đẩy mạnh, sử dụng chất thải từ chăn nuôi để bón trở lại cho cây trồng. Hải Dương đã có trên 500 cơ sở chăn nuôi đáp ứng mô hình nông nghiệp hữu cơ…
Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ cho biết, thời gian qua, huyện đã tập trung sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Huyện đã xây dựng được 8 vùng nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn. Phương thức này sử dụng tối đa phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt theo chu trình khép kín với 5 tầng khai thác, tạo nên hệ sinh thái tuần hoàn, an toàn, bền vững.
Ngoài ra, huyện còn mô hình lúa cá, trồng nấm và cung cấp giá thể nấm, trang trại vườn ao chuồng… Riêng mô hình sản xuất lúa - rươi hữu cơ tại xã An Thanh sau 6 năm triển khai đến nay có diện tích 370 ha và dự kiến tăng lên 700 ha vào năm 2025; trong đó, 137 ha đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia. Từ đây đã xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ bãi rươi.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Hải Dương còn gặp nhiều khó khăn. Rào cản lớn là nhận thức của đa số nông dân về nông nghiệp tuần hoàn còn mơ hồ. Chú trọng dựa vào tài nguyên, mới chú trọng vào sản lượng. Việc nghiên cứu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và đầu tư cho tái chế chưa được quan tâm. Các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã được áp dụng còn tự phát và chưa tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn.
Các ý kiến tại hội thảo đều nhìn nhận, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu trong tương lai và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra một số đề xuất để phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng. Cụ thể: Coi kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu mang tính chiến lược; Tuyên truyền, tập huấn kiến thức, pháp luật và kinh tế tuần hoàn; Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về kinh tế tuần hoàn; Tăng cường liên kết, hợp tác trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, huy động nguồn lực toàn xã hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn; Triển khai Đề án ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; Khảo sát thực trạng nông nghiệp tuần hoàn ở các địa phương và các tỉnh…
Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Hải Dương, các ý kiến cho rằng tỉnh cần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; Tích cực chuyển giao về khoa học kỹ thuật để nâng cao nhận thức cho người dân; Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy sử dụng chế phẩm thân thiện với môi trường; Cụ thể hóa chính sách của nhà nước và xây dựng, nhân rộng mô hình; Thúc đẩy nghiên cứu về khoa học công nghệ sử dụng phụ phế phẩm trong nông nghiệp; Tăng cường giới thiệu và nhân rộng, lan tỏa các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho sản phẩm từ nền nông nghiệp tuần hoàn…