Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn lực hạ tầng

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang một trong năm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong cả nước. Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, thể hiện được chức năng, nhiệm vụ trong thu hút đầu tư nhưng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này vẫn còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát nghe giới thiệu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh tư liệu: Hồng Thái/TTXVN

Nút thắt về hạ tầng

Với mục tiêu hình thành khu trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, các doanh nghiệp là nòng cốt tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

Đồng thời, hình thành phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, làm mô hình để mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh Hậu Giang và các địa phương trong vùng. Năm 2012, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, với tổng diện tích 5.200 ha gồm: khu trung tâm 415 ha và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 4.785 ha nằm trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Sau khi thành lập, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được đầu tư 5 dự án với tổng số vốn trên 379,5 tỷ đồng. Đến năm 2021, 3 dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng số vốn trên 45,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trụ sở; hệ thống điện trung, hạ thế và trạm biến áp tại khu trung tâm, một phần các tuyến đường giao thông trong khu.

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ cho mời gọi và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang thu hút được 4 nhà đầu tư triển khai dự án với số vốn đầu tư 330 tỷ đồng, quy mô khoảng 284 ha. Tuy nhiên, hiện khu mới chỉ giải phóng được 10 ha đất sạch để giao cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại khu, nhưng rồi “một đi không trở lại”. Sự ngán ngại của họ chủ yếu do điều kiện tự nhiên khó khăn như đất phèn, bị nhiễm mặn vào mùa khô, điều kiện hạ tầng còn thiếu và yếu chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo ông Triểu, nguyên nhân của những khó khăn trên là do nguồn vốn ngân sách bố trí để đầu tư hạ tầng còn ít, đầu tư nhỏ lẻ chưa đồng bộ theo quy hoạch, quỹ đất sạch chưa có nhiều gây khó khăn trong công tác mời gọi thu hút đầu tư; công tác xúc tiến đầu tư tuy có chú trọng nhưng hiệu quả còn thấp; việc huy động, kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác còn hạn chế.

Cần đầu tư nguồn lực hạ tầng

Chú thích ảnh
Niềm vui của nông dân khi thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh cho năng suất cao. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Vừa qua, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, hợp tác và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp do Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tổ chức, lãnh đạo Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao các tỉnh Phú Yên, Bạc Liêu, Hậu Giang và một số Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do tỉnh, thành phố thành lập như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp đều cho rằng, bên cạnh những hạn chế trong liên kết với các viện, trường; công tác nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học; chưa có quy định cụ thể về mô hình và cơ chế quản lý đối với các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước thì khó khăn hiện nay là việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đồng bộ; chưa có kinh phí để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

Đại diện các Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đề nghị Trung ương, địa phương cần đầu tư hơn nữa các nguồn lực, nhất là bố trí kinh phí đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ phát triển của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, cần sớm bổ sung phạm vi và đối tượng áp dụng có cụm từ quy định cho Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào các văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất mô hình quản lý hoạt động của các khu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu, tạo nên các chuỗi hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, thông tin, trong giai đoạn 2021 - 2025, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cần khoảng gần 334 tỷ đồng để thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng 54,56 ha (đã giải phóng được khoảng 25 ha) để mời gọi đầu tư và Dự án “đầu tư xây dựng cầu số 1, đường số 5 và đường số 1 thuộc khu trung tâm”. Dự án này hoàn thành sẽ giúp từng bước hình thành đồng bộ hạ tầng khu trung tâm kết nối với đường tỉnh 930, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cùng với hệ thống các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đang được triển khai thi công và hoàn thành trong thời gian tới, tỉnh rất quan tâm đầu tư hạ tầng cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, vận chuyển, đi lại của khu với bên ngoài. Về chính sách thu hút đầu tư, Hậu Giang cũng đang áp dụng mức ưu đãi cao nhất đối với các dự án đầu tư vào Khu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết thêm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Giám đốc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh tiếp tục phối hợp, hợp tác trình diễn, chuyển giao khoa học công nghệ với các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước, với các viện, trường, các nhà khoa học trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm thúc đẩy các nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp theo mục tiêu đề ra.

Hồng Thái (TTXVN)
Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn
Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn

Trong hai ngày 17 và 18/4, Đại hội Hội Nông dân huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đây là đại hội điểm cấp huyện của tỉnh Hải Dương với sự tham gia của 146 hội viên tiêu biểu, đại diện cho gần 36.000 hội viên Hội Nông dân huyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN