Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh Hải Dương) yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn, đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các đơn vị tư vấn ở huyện Thanh Miện, Bình Giang khẩn trương giải quyết các hồ sơ tồn đọng… để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các cơ sở tôn giáo cấp huyện phải xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng tuần và tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng, nhất là 3 huyện, thị xã, thành phố có tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt thấp là huyện Bình Giang, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Sở Nội vụ hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đôn đốc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố, thị xã, các ban Hộ tự, người đại diện hợp pháp các cơ sở tôn giáo thực hiện việc kê khai, đăng ký và lập hồ sơ đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo. Ban Chỉ đạo tỉnh Hải Dương giao tổ chuyên viên giúp việc cần xác định rõ trách nhiệm, tham mưu các giải pháp cụ thể, khả thi để xử lý các vướng mắc, nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn bị chậm.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cấp huyện cần kịp thời phản ánh những vướng mắc trong quá trình triển khai mà các đơn vị tư vấn gặp phải; rà soát các cơ sở tôn giáo có diện tích sử dụng sau ngày 1/7/2004; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với hiện trạng; chuyển cho cơ quan chức năng thẩm định theo quy định. Ban Chỉ đạo cấp huyện cũng tiếp tục xử lý dứt điểm các trường hợp hiến tặng quyền sử dụng đất, đổi đất nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp chưa hoàn thiện theo đúng quy định; kịp thời giải quyết các cơ sở chưa thống nhất ranh giới, mốc giới; cơ sở nằm trong diện tích đất do Ban quản lý rừng quản lý, nằm trong hành lang an toàn công cộng…
Ban Chỉ đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu tổ kiểm tra, nghiệm thu tập trung kiểm tra hồ sơ; phản ánh những thiếu sót và hướng dẫn cụ thể cho đơn vị tư vấn để kịp thời hoàn thiện. Chính quyền tỉnh Hải Dương đề nghị các đơn vị tư vấn phải tập trung hoàn thiện hồ sơ đã có biên bản đề nghị chỉnh sửa, bổ sung. Vị trí các cơ sở tôn giáo chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì các đơn vị tư vấn chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của chính quyền địa phương xem xét, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc nảy sinh để kịp thời xử lý dứt điểm, tháo gỡ kịp thời.
Theo Sở Nội vụ Hải Dương, hiện tỉnh này có 1.138 cơ sở tôn giáo hợp pháp cần đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết, Hải Dương đã cơ bản hoàn thành việc đo đạc hiện trạng sử dụng đất đối với các cơ sở tôn giáo hợp pháp trên địa bàn. Đến ngày 10/10/2022, Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 906 cơ sở tôn giáo với tổng diện tích trên 184ha, đạt 79,6%.
Một số địa phương có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo đạt cao là Gia Lộc cấp được 97/105 (đạt 92,38%), Nam Sách cấp được 103/113 (đạt 91,15%), Kim Thành cấp được 59/65 (đạt 90,77%). Một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tỷ lệ thấp là Bình Giang cấp đạt 59/99 (đạt 59,60%), Kinh Môn cấp 57/85 (đạt 67%).
Các cơ sở tôn giáo chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu do chưa thống nhất được ranh giới, mốc giới với đất của UBND xã quản lý, đất với các hộ gia đình cá nhân giáp ranh; nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng, phức tạp, diện tích biến động; tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, hiến tặng, mở rộng sang đất công; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; tự xây dựng các công trình kiên cố khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép…
Một nguyên nhân khác là do các địa phương chưa tuyên truyền sâu rộng cho các cơ sở tôn giáo về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các đơn vi tư vấn chưa chặt chẽ, tích cực; công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn kém; kiểm kê thiếu chính xác, chưa cập nhật kịp thời các biến động…