Giảm nghèo nhờ trồng cây dược liệu

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tại các địa bàn miền núi tỉnh Thanh Hoá, nhất là trồng cây dược liệu, đang góp phần đang tạo ra hướng đi mới, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hải (trái), xã Điền Trung, huyện Bá Thước trồng cây dược liệu cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ảnh: TTXVN phát

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tỉnh có gần 1.000 loài cây dược liệu với 5.000 ha trồng trên đất nông nghiệp và 94.000 ha trồng dưới tán rừng của đất lâm nghiệp, tổng sản lượng sau khi thu hoạch đạt 550 tấn/năm. Trong số đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như ba kích, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, quế, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, cà gai leo... chủ yếu tập trung tại miền núi.

Hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, như Công ty cổ phần Đông Nam dược Miền Trung đang đầu tư liên kết, hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 40 ha cây dược liệu cho người dân huyện Lang Chánh, hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn thu mua cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc…

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương hướng dẫn hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các địa phương cũng đang phối hợp với đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng cây dược liệu cho người dân.

Tại huyện biên giới Quan Sơn, huyện đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung chất lượng cao tại khu Vũng Cộp, thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy, quy mô 50 ha. Địa phương đã mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, Khu Vũng Cộp, xã Sơn Thủy có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đất đai phù hợp nên cây dược liệu trồng nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện người dân xã Sơn Thủy đã phát triển được hàng trăm ha cây dược liệu, một số loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao như mã tiền, hà thủ ô , thổ phục linh , hoài sinh, thổ phục linh đã cho thu nhập cao, giúp bà con giảm ghèo.

Tại huyện miền núi Bá Thước, huyện có khoảng 100 hộ dân trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 40 ha. Những năm qua, huyện đã ra chủ trương phát triển cây dược liệu, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu đã giảm nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Sản phẩm dược liệu khô của gia đình ông Nguyễn Hải, xã Điền Trung, huyện Bá Thước. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Hải, xã Điền Trung, huyện Bá Thước cho biết, trước đây gia đình thuộc diện khó khăn, sau khi được Hợp tác xã Pù Luông đến tư vấn, gia đình đã chuyển đổi sang trồng các loại cây dược liệu như cây hoàn ngọc, cây xương khỉ, cây cà gai leo, sài đất, xạ đen... Qua trồng thử nghiệm, nhận thấy khi trồng các loại cây dược liệu cho năng suất và sản lượng cao, phù hợp với đồng đất nên gia đình chuyển toàn bộ diện tích vườn tạp sang trồng cây dược liệu trên diện tích 1 ha.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên năng suất và sản lượng chưa cao. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì, những vụ tiếp sau đó cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu trước kia. Theo tính toán nếu trồng 1 sào rộng 360 m2 cây cà gai leo, khi thu hoạch đem phơi khô sẽ bán được 20 triệu đồng, lãi hơn rất nhiều so với các loài cây trồng truyền thống.

Đến nay, mỗi năm gia đình ông Hải thu hoạch được 20 tấn cây dược liệu phơi khô. Sản phẩm được nhiều công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình thu mua. Việc trồng cây dược liệu mang lại thu nhập của ông Hải đạt 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10-20 người có việc làm thu nhập 3-4 triệu/người/tháng.

Chú thích ảnh
Gia đình anh Trương Văn Nghị, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước trồng cây dược liệu cho thu nhập thu nhập 150 triệu đồng/năm. Ảnh: TTXVN phát

Gia đình anh Trương Văn Nghị, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cũng đã thoát nghèo, với thu nhập đạt 150 triệu đồng/năm. Nói về phương hướng thời gian tới, anh Nghị cho biết đang chuẩn bị mở rộng trồng thêm 2 ha diện tích các loại cây dược liệu mới.

Ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, những năm qua, huyện đã phát triển cây dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái để nâng cao giá trị của cây dược liệu, cũng như phát triển du lịch. Hiện UBND huyện đang xây dựng các mô hình để du khách vừa tham quan và mua sắm các sản phẩm từ cây dược liệu quý của địa phương, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp liên kết, bao tiên sản phẩm cho bà con.

Hợp tác xã Pù Luông đang trồng 5 - 10 ha diện tích cây dược liệu, gồm cây chè đắng, xạ đen, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Nếu như một sào lúa, ngô cho thu nhập chỉ từ 2 - 3 triệu, cùng diện tích đó trồng dược liệu, người dân sẽ có thu nhập từ 5 - 6 triệu.

Ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng Phòng Sử dụng, phát triển rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa khẳng định, để phát triển cây dược liệu, thời gian tới chi cục sẽ tuyên truyền đến các hộ gia đình miền núi biết được hiệu quả trồng cây dược liệu để họ chuyển đổi cây trồng cũ sang trồng cây dược liệu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, chi cục sẽ đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết doanh nghiệp với các hộ gia đình để nâng cao năng suất, giá trị cây dược liệu, cũng như tập huấn, chuyển giao khoa học trong trồng dược liệu để tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Tiềm năng phát triển cây dược liệu xáo tam phân
Tiềm năng phát triển cây dược liệu xáo tam phân

Một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển một số cây dược liệu, trong đó có cây xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya Trimera).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN