Giải pháp nào ngăn sạt lở ven sông?

Chạy dọc theo bờ trái con sông Trà Nóc, tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm (phường Trà An, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) khá sầm uất với nhà cửa san sát cả hai bên đường. Nếu nhìn từ mặt tiền, các căn nhà thuộc dãy phía ngoài bờ sông không khác gì những dãy nhà ở đô thị khác của Cần Thơ.

Thế nhưng, đứng từ bên kia sông nhìn sang, người ta sẽ không khỏi hãi hùng bởi nhiều ngôi nhà trong số đó đang bị sạt lở và có căn chỉ còn một nửa.

Chú thích ảnh
Sạt lở bờ sông Trà Nóc tạo thành "hàm ếch" phía dưới các căn nhà, có thể tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào. 

Hai năm 5 trận sạt lở

Sông Trà Nóc là một trong hai con sông lớn ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ), có điểm đầu tiếp giáp với sông Hậu. Con sông này đang đối mặt với tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hàng chục căn nhà chỉ trong vòng hai năm 2020 và 2021; trong đó, đoạn sông Trà Nóc chảy qua địa bàn khu vực 2, phường Trà An từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 5 đợt sạt lở, làm sụp đổ và ảnh hưởng gần 40 căn nhà. Hiện nay, tình hình sạt lở diễn biến nguy hiểm, tiếp tục đe doạ đến tính mạng, tài sản của hơn 120 hộ dân sinh sống ven tuyến sông này.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, nhà số 94 là trong những hộ dân có nhà đã bị sạt lở xuống sông gần phân nửa. Bà Tịnh cho biết, gia đình chuyển đến làm nhà sinh sống tại khu vực 2, phường Trà An từ năm 2020. Căn nhà được xây dựng hợp pháp trên diện tích đất thổ cư có chiều dài khoảng 20m, với mặt tiền là đường Lê Thị Hồng Gấm, phía sau là sông Trà Nóc. Giống như những cư dân sống ven sông khác, ngoài phần nhà nằm trên đất liền, bà Tịnh đóng cọc, lót sàn trên mặt nước để có thêm không gian sinh hoạt cho gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ phần diện tích cơi nới thêm mà gần phân nửa ngôi nhà của bà Tịnh đã bị sông nước “nuốt” mất. Người phụ nữ hơn 50 tuổi cho biết, vừa sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều nhà ở khu vực này xuất hiện vết nứt, liền sau đó sạt lở xảy ra, làm sập 13 căn. Đến ngày 1/6 vừa qua, các vết nứt trên vách tường, dưới nền nhà tiếp tục xuất hiện. Chưa đầy mười ngày sau, 4 căn nhà khác tiếp tục bị nhấn chìm một phần xuống sông.

“Sạt lở nghiêm trọng và gây thiệt hại nhiều nhất là nhà tôi và mấy nhà xung quanh. Do không có nơi di dời, hiện gia đình tôi vẫn sống ở phần nhà phía trước còn chưa bị lở. Cuộc sống bấp bênh, ban ngày thì đi làm, ban đêm thì phập phồng lo sợ phần nhà còn lại sẽ sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Mỗi đêm, đang yên giấc nghe có tiếng động là cả nhà phải chạy ra ngoài, vì sợ nhà bị cuốn trôi”, bà Tịnh chia sẻ.

Nằm kế bên nhà bà Tịnh, căn nhà của người chị gái Nguyễn Thị Bình cũng đang trong tình trạng không biết lúc nào sẽ chìm xuống sông do sạt lở. Theo bà Bình, do biết khu vực này rất nguy hiểm, sạt lở còn có thể tiếp diễn nên nhiều hộ dân đã di dời một số tài sản có giá trị, đem gửi ở nhà người quen từ nhiều tháng nay. Nhờ đó, khi đối mặt với đợt sạt lở hồi đầu tháng 6, gia đình bà Bình không thiệt hại nhiều về đồ đạc, vật dụng, nhưng nhà cửa thì đã sụp đổ xuống sông, không cách nào cứu được.

Bà Bình cho biết, chỉ có một chỗ ở duy nhất này, do đó bà rất mong chính quyền địa phương, quận Bình Thuỷ và thành phố Cần Thơ xem xét, cho gia đình được tái định cư ở nơi an toàn, ổn định hơn. Đồng thời, sớm triển khai xây dựng bờ kè để khắc phục tình trạng sạt lở đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Chú thích ảnh
Một ngôi nhà ven sông Trà Nóc, thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở xảy ra hồi tháng 2/2021. 

Hơn 530 tỷ đồng đầu tư xây dựng bờ kè

Mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình sạt lở trên tuyến sông Trà Nóc, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận định sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cần sớm triển khai xây dựng bờ kè để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, để khắc phục sạt lở bờ sông Trà Nóc, được sự thống nhất của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam khảo sát, tìm nguyên nhân gây sạt lở; đánh giá địa hình, địa chất và tư vấn xây dựng bờ kè tại khu vực này.

Báo cáo của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho thấy, khu vực sạt lở bờ sông Trà Nóc đoạn qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy không thể thực hiện được các biện pháp phi công trình hoặc kè tạm, bán kiên cố để phòng, chống và khắc phục sạt lở.

Việc sử dụng biện pháp xây dựng công trình kiên cố là phù hợp, vừa ngăn chặn tình trạng sạt lở đang diễn ra tại bờ sông Trà Nóc, vừa bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của cư dân toàn tuyến, cơ sở hạ tầng tại khu vực… Do đó, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 phương án xây dựng kè chống sạt lở dài khoảng 1,1 km, từ cầu Trà Nóc tới cầu Xẻo Mây – đường Lê Thị Hồng Gấm.

Qua thảo luận, các sở, ngành chức năng thành phố Cần Thơ và UBND quận Bình Thuỷ thống nhất chọn phương án 3 với thiết kế tuyến kè có chiều dài 1,1 km gồm các hạng mục: bờ kè, công trình phụ trợ có vỉa hè rộng 2,4m, cầu thang dân sinh. Công trình còn có công viên chạy dọc theo kè, hệ thống cây xanh, điện trang trí, chiếu sáng công cộng. Bên cạnh đó, tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm hiện có chiều rộng 5m sẽ được mở rộng thành 8m. Dự kiến kinh phí xây dựng gần 531 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Tổng số 122 hộ dân dọc sông Trà Nóc bị ảnh hưởng bởi dự án trên và thuộc diện phải tái định cư. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, kè sông Trà Nóc là dự án cần triển khai thực hiện sớm để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, đồng thời góp phần đảm bảo quỹ đất, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp. Thành phố yêu cầu quận Bình Thủy đưa ra phương án họp dân, lấy ý kiến thống nhất xây dựng bờ kè; vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn (định cư phân tán) và sẵn sàng bố trí tái định cư cho các hộ dân không có nơi ở mới.

Chú thích ảnh
Trong khi chờ đợi có bờ kè, nhiều hộ dân ở khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy vẫn phải sống trong những ngôi nhà đã bị sạt lở "nuốt" mất một phần. 

Lãnh đạo UBND thành phố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng hoàn tất các hồ sơ để đề xuất về Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố sớm bố trí vốn đầu tư khẩn cấp xây dựng bờ kè cho tuyến sông này. Chi cục Thuỷ lợi - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án phối hợp cùng các sở, ngành chức năng thành phố thực hiện các thủ tục cần thiết để có thể khởi công thực hiện dự án trên trong thời gian sớm nhất khi được phê duyệt.

Về phía địa phương, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết, chính quyền địa phương cũng như người dân trên toàn tuyến rất mong bờ kè sớm được triển khai thực hiện. Để giảm bớt kinh phí đầu tư xây dựng, quận Bình Thuỷ sẽ đảm nhận việc thực hiện mở rộng đường Lê Thị Hồng Gấm, xây dựng công viên… từ nguồn ngân sách của quận. Bên cạnh đó, UBND quận Bình Thuỷ sẽ sẵn sàng sắp xếp, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng công trình xây dựng kè chống sạt lở sông Trà Nóc theo quy định.

Bài và ảnh; Thanh Liêm (TTXVN)
Đồng Nai: Đôn đốc thực hiện dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi
Đồng Nai: Đôn đốc thực hiện dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi

Liên quan đến dự án cấp bách xử lý sạt lở nhưng nguy cơ dễ gây ra sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Minh Đạt (gọi tắt là Công ty Minh Minh Đạt).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN