Tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, tỉnh đã ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách phòng chống sạt lở, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hồ chứa đa mục tiêu phục vụ phòng, chống thiên tai; bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các dự án, công trình thích ứng trực tiếp với biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình cấp bách phòng chống sạt lở, xâm nhập mặn, bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành để chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết trong việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị; thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nhiệm vụ, dự án, giải pháp thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát nhu cầu đầu tư và hoàn thiện hạ tầng quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, quan trắc theo dõi diễn biến nguồn nước, chất lượng nước phục vụ nhu cầu sản xuất và cấp nước sinh hoạt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo lộ trình đã đề ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, ưu tiên công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết; triển khai nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động khắc phục hậu quả của thiên tai.
Sau khi Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện quán triệt, triển khai tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của Nghị quyết; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, phổ biến trong cộng đồng.
Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, đầu tư trọng điểm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu và hỗ trợ đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực ở địa phương, xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Việc đầu tư phát triển ngành logistic và công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh đã đầu tư các công trình cấp bách phòng chống sạt lở, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hồ chứa đa mục tiêu phục vụ phòng, chống thiên tai với 16 công trình trọng điểm, chủ yếu được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương. Hậu Giang đầu tư, xây dựng cụm tuyến dân cư di dời khẩn cấp các hộ dân khu vực sạt lở nghiêm trọng; bố trí sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch phục vụ phòng chống thiên tai theo các chương trình đã được phê duyệt. Tỉnh tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về phát triển bền vững, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.