Các loại cây ăn quả chủ lực như chuối, sầu riêng, bơ, mít, xoài, dứa và chanh dây… không chỉ phát triển mạnh mẽ về quy mô diện tích mà còn hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Gia Lai, diện tích cây ăn quả trên địa bàn sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch VietGAP, GlobalGAP đạt gần 20.000 ha; trong đó, hơn 9.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Để nâng cao giá trị cho ngành hàng này, Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp tập trung liên kết và đầu tư các dây chuyền chế biến tiến tiến.
Hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với các nông hộ sản xuất trên diện tích gần 10.000 ha cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng. Sản lượng trái cây không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa mà còn cung cấp cho 38 cơ sở chế biến, đóng gói với công suất lên đến 1.500 – 1.700 tấn mỗi ngày.
Để đáp ứng nguồn cung hiện có, nhiều nhà máy chế biến trái cây hiện đại công suất lớn đã được hình thành trên địa bàn như: Nhà máy chế biến rau củ quả của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO Gia Lai) công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF (Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) công suất 36.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy Quicornac (Công tu DIVAFRUIT S.A) công suất 15.000 tấn/năm; Nhà máy Tây Nguyên (Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên) công suất 10.000 tấn/năm… Hầu hết sản phẩm cây ăn quả đã được xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ…
Ông Hồ Hải Quân - Giám đốc Công ty CP Nafoods Tây Nguyên chia sẻ đã triển khai tổ chức vùng trồng của đơn vị thông qua việc liên kết với các hợp tác xã và công ty kinh doanh nông nghiệp. Mối liên kết này giúp công ty quản lý tốt về mặt chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách hiệu quả.
Gia Lai chú trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến; trong đó có nhiều nhà máy chế biến công suất lớn đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu. Theo Sở Công Thương Gia Lai, ước tính kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ trái cây hiện đạt khoảng 120 triệu USD mỗi năm. Ngành hàng trái cây, dù mới gia nhập thị trường vài năm gần đây, nhưng đã trở thành một trong những mặt hàng chủ lực, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, sản phẩm cây ăn quả qua chế biến là một trong những mặt hàng mới của địa phương. Mặc dù vậy, mặt hàng trái cây tươi và qua chế biến đã đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Dự kiến, kim ngạch của mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng khi nhiều công ty đã phát triển thêm vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai nhấn mạnh, vai trò của công nghiệp chế biến sâu là rất quan trọng. Chỉ có những doanh nghiệp đủ năng lực tài chính và quản trị mới có thể đưa các dây chuyền chế biến hiện đại vào sản xuất. Từ đó, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Để tiếp tục phát triển ngành hàng cây ăn quả, Gia Lai đã triển khai Đề án “Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.” Mục tiêu là mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 55.000 ha vào năm 2025 và đạt khoảng 100.000 ha vào năm 2040. Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Úc và Nhật Bản.
Với việc nỗ lực kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất và chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, Gia Lai đang phát huy những tiềm lực sẵn có của mình cho ngành hàng mới này. Những nỗ lực này không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, dần khẳng định vị thế tiềm năng của Gia Lai trên bản đồ nông sản quốc gia và quốc tế.