Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ vườn dừa ở xã Tân An, huyện Càng Long cho biết, sau khoảng thời gian dài hơn 4 tháng giá dừa khô giảm sâu đến mức 20.000 đồng/chục, đến đầu tháng 5/2023, giá dừa khô mới tăng dần lên và ổn định ở mức 50.000 – 55.000 đồng/chục như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, tuy giá dừa khô tăng lên, nhưng nguồn thu nhập từ dừa của nông dân trồng dừa không cao, do đang là thời điểm mùa mưa sản lượng dừa cho trái khô thấp hơn 20 % so với mùa nắng. Để nông dân trồng dừa có thể trang trải được cuộc sống giá dừa phải ổn định ở mức 70.000 đồng/chục trở lên.
Theo thương lái thu mua dừa tại huyện Tiểu Cần để bán lại cho các xí nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa trái, giá dừa khô tăng và ổn định nhiều tháng nay là nhờ thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc tăng mạnh mức thu mua các sản phẩm từ dừa trái như: than hoạt tính, sữa dừa, nước cốt dừa cấp đông….
Theo đó, các doanh nghiệp trong tỉnh và cả ngoài tỉnh tăng lượng thu mua nguyên liệu và mua với mức giá cao để chủ động sản xuất theo đơn đặt hàng xuất khẩu. Thời gian gần đây, do vào mùa mưa sản lượng dừa khô sụt giảm, nguồn cung càng thiếu cầu nên và nhiều khả năng dừa khô còn tiếp tục tăng giá.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện tỉnh có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long, với sản lượng cho trái gần 578.000 tấn/năm.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích cây dừa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha/năm và có ít nhất 8.000 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ; trong đó, có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Hiện tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân phát triển chuỗi giá trị dừa theo tiêu chí VietGAP, hữu cơ, xây dựng vùng trồng nguyên liệu dừa tập trung. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chuyên môn, các đơn vị có liên quan tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến và thị trường mục tiêu.
Ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương xây dựng và đề xuất phương án bố trí kinh phí hàng năm, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan để thực hiện hiệu quả Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa và phát triển vùng nguyên liệu dừa chất lượng cao.
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ chuỗi sản phẩm dừa và được các doanh nghiệp cam kết thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.