Đức Cơ là huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, với 10 xã, thị trấn, 73 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó, có đến 45 làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 45% dân số). Đời sống của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp là chính. Vì thế, cuộc sống của nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và qua từng mùa rẫy.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người lao động trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, có nghề nghiệp ổn định chưa cao. Số ít được đào tạo nghề cạo mủ thông qua các công ty cao su đứng chân trên địa bàn. Xác định rõ đào tạo nghề là mắt xích quan trọng giúp người dân tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước chuyển dịch cơ cấu nghề trên địa bàn, trong những năm qua, huyện Đức Cơ đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ cho biết: Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được các cấp, các ngành quan tâm. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội đã thu hút được nhiều lao động, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất phát triển tạo nhiều việc làm mới trên các lĩnh vực. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, chú trọng chất lượng, giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập. Phần lớn học viên tham gia học nghề tự vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống và sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, nâng cao chất lượng sản xuất, năng xuất lao động của hộ gia đình và bản thân để góp phần giảm nghèo. Qua đó, từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Với nỗ lực của địa phương, chỉ trong năm 2024, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện đã mở 8 lớp Đào tạo nghề phi nông nghiệp trình độ Sơ cấp và dưới 3 tháng cho 182 học viên trên địa bàn huyện. Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội đặt hàng với Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo 10 lớp nghề phi nông nghiệp dưới 3 tháng cho 300 học viên; Tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn huyện có hơn 900 người lao động tham gia phiên giao dịch; Phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức Hội nghị tư vấn gắn với giải quyết việc làm và tổ chức tư vấn tuyển dụng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn.
Là người được thụ hưởng từ chương trình đào tạo nghề, chị Siu H’Thâm (27 tuổi, Làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) vui mừng khi có được nghề may trong tay. Với mong muốn thoát ra khỏi lối mòn dựa vào nông nghiệp để xây dựng cuộc sống, chị Siu H’Thâm đã đăng ký học nghề may khi xã tổ chức vào cuối tháng 9/2024. Sau hơn 3 tháng chăm chỉ học nghề, cơ bản chỉ đã thành thạo được những đường may cơ bản.
“Mình rất thích nghề may, nên khi xã tổ chức lớp học nghề mình tham gia ngay. Mong muốn của mình sau khi có được nghề sẽ “thoát li” được nghề nông nghiệp vất vả mà thu nhập thì bấp bênh. Mình sẽ cố gắng học thành thạo để đi xin vào làm tại các công ty may”, chị Siu H’Thâm chia sẻ.
Cũng tham gia lớp học may, chị Rơ Mah H’De (27 tuổi, làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đã cơ bản may được một chiếc áo. Chị rất vui khi có được một nghề trong tay. Những bước đi đầu tiên với nghề mới cũng được chị H’De hoạch định.
“Sắp tới, tôi sẽ cùng với các chị trong lớp học tìm việc làm thêm như nhận sản phẩm về may theo hình thức tổ may tại địa phương. Bên cạnh công việc làm nông hàng ngày, chúng tôi sẽ tranh thủ làm thêm với nghề may đã được học để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mong muốn của tôi sau này sẽ thành lập được tổ may với phương tiện và máy móc đầy đủ. Qua đó không chỉ giúp bản thân kiếm thêm thu nhập, mà còn tạo công ăn việc làm, phát huy được nghề may đã học cho các chị em trong làng”, chị H’De cho biết.
Song song với công tác tập trung đào tạo nghề cho người dân, huyện Đức Cơ còn tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, các Trường Cao đẳng trong và ngoài tỉnh tổ chức các hội nghị, giới thiệu việc làm cho người dân.
Trong thời gian qua, huyện Đức Cơ đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai, Trường Cao đẳng Thaco, Công ty cổ phần May Lilama 18 và các doanh nghiệp tổ chức hội nghị đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thông qua các đợt tiếp xúc này đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động, đoàn viên, hội viên trên địa bàn huyện được tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động, đăng ký tham gia học nghề và làm việc phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân.
Cùng với đó, từ năm 2022 đến nay, huyện Đức Cơ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm với hơn 150 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia, thu hút trên 3.000 lao động đến tìm hiểu thông tin. Nhờ đó, chỉ tính từ đẩu năm 2024 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 1000 lao động (đạt 109% kế hoạch năm 2024). Đặc biệt, toàn huyện có 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Với những kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề đã góp phần đưa huyện Đức Cơ thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong năm 2024, huyện Đức Cơ đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra khi hiện toàn huyện chỉ còn 1.570 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,92% (giảm 431 hộ với tỷ lệ giảm 2,28% so với năm trước (đạt kết hoạch của tỉnh giao là giảm 2,2%).
Ông Nguyễn Đình Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo nghề và việc làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề tại các địa phương cũng như vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Đặc biệt, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho các lao động đã được đào tạo.