Theo đó, mô hình Chính quyền thân thiện tại phường Tân Phong tập trung thực hiện nghiêm khẩu hiệu “4 xin”, “4 luôn” và “5 không”. Trong đó, “4 xin” gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn” gồm: Luôn mỉm cười, luôn thấu hiểu, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; “5 không” gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh chọn phường Tân Phong là nơi thí điểm mô hình Chính quyền thân thiện vì đây là địa phương đã áp dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ người dân như: Thực hiện mô hình “60 phút vì dân - thân thiện hành chính” làm việc từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút ngày thứ hai hàng tuần; tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Thư chúc mừng; Thư chia buồn cho người dân; Bố trí cán bộ hướng dẫn người dân làm hồ sơ giấy và hồ sơ trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Giao trả hồ sơ miễn phí tại nhà cho các đối tượng người có công với cách mạng, người khuyết tật, người già neo đơn; Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói… Những việc làm trên được đánh giá cao, tạo sự đồng thuận, ghi nhận của người dân, là điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình Chính quyền thân thiện, tạo sự lan tỏa và nhân rộng trong chính quyền cơ sở của toàn tỉnh.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, xây dựng chính quyền thân thiện là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhằm phát huy dân chủ trong thực hiện các cơ chế, chính sách, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời kiến nghị, vấn đề bức xúc của nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, quyết định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân.
Ông Võ Tấn Đức đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và toàn thể người dân nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin, văn hóa ứng xử trong công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã “gần dân, trọng dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm” với phương châm thực hiện “4 xin”, “4 luôn” và “5 không”; tăng cường thực hiện kiểm tra kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, khắc phục bệnh hành chính, quan liêu, xa dân để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm nhằm hướng đến một chính quyền công khai, minh bạch, văn minh, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Nội vụ sớm tham mưu ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mô hình Chính quyền thân thiện để làm thước đo đánh giá sự hài lòng của người dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận chính quyền nên các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp để đảm bảo các tiêu chí thật sự chính xác, thiết thực, thể hiện đúng mục tiêu và thước đo đánh giá hiệu quả của một chính quyền thân thiện.
Dịp này, phường Tân Phong chính thức ra mắt Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền thân thiện do bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban.