Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích lớn như sầu riêng, chôm chôm, bưởi; xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân tại các xã này đạt trên 66 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 5 triệu đồng so với thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh.
Giá trị sản xuất trồng trọt đạt gần 127 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 7 triệu đồng/ha so với mức bình quân của tỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã chỉ còn khoảng 0,05%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; đảm bảo an ninh trật tự, chỉnh trang cảnh quan môi trường, thu gom, phân loại rác được quan tâm, đạt nhiều thành tựu.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 930.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; trong đó, vốn ngân sách là hơn 66.000 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 7%, còn lại là vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và của người dân. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông, điện, thủy lợi ở vùng nông thôn tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân - ông Gọi cho hay.
Năm 2019, Đồng Nai là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh. Đồng Nai đang phấn đấu đến năm 2025 tất cả các xã trên địa bàn sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng huyện Xuân Lộc thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.
Để làm điều này, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến nông sản; phát triển công nghiệp bảo quản và chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa; đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn.