"Trong thời gian tới, Hậu Giang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp; đầu tư đường nối vào cao tốc, tạo quỹ đất sạch, cải cách mạnh mẽ và đơn giản hóa thủ tục hành chính", ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền tập trung nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; tăng cường đoàn kết, hợp tác để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà; liên kết phát triển nguồn nguyên liệu; giải quyết việc làm, thu hút lao động trên cơ sở cạnh tranh về thu nhập và điều kiện làm việc.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội.
Doanh nghiệp cũng tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương; ủng hộ tỉnh trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế và chính sách an sinh xã hội; chủ động báo cáo và đề xuất hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tỉnh kịp thời giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là sớm giải quyết các vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Đăng Hải, cho biết doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trên các lĩnh vực và thực tế đã được cải thiện qua từng năm. Doanh nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các chỉ số để thuận lợi cho hoạt động của tổ chức và cá nhân.
Để cải thiện chỉ số, trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp phụ trách từng nội dung, đề xuất các giải pháp cho các chỉ số còn hạn chế, cải thiện tích cực thứ hạng qua các năm. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh của Hậu Giang từ thứ hạng 38 vào năm 2021, tăng lên thứ 12 vào năm 2022 và xếp thứ 9 vào năm 2023; Chỉ số cải cách hành chính từ thứ hạng 27 năm 2021, tăng thứ tự 19 vào năm 2023; các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, hài lòng của người dân và tổ chức đều tăng qua các năm.
Theo ông Võ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Viettel Hậu Giang, khó khăn hiện nay của đơn vị là chuyển đổi thuê bao di động 2G lên 4G. Đơn vị đang quản lý khoảng 100 ngàn thuê bao di động 2G trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, số thuê bao này khó tắt sóng do các thuê bao đã đăng ký định danh điện tử. Đơn vị mong muốn tỉnh có chỉ đạo, đồng hành cùng đơn vị để việc chuyển đổi sóng 2G lên 4G đối với các thuê bao di động trên địa bàn Hậu Giang hoàn thành trước tháng 9/2024.
Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh khối doanh nghiệp khoảng 77%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 18%, kinh tế cá thể của Hậu Giang phát triển mạnh, toàn tỉnh có gần 54 ngàn hộ kinh doanh, nguồn vốn trên 7.000 tỷ đồng.