Đê biển Kiên Giang tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng

Đoạn đê biển từ Kim Quy đến Tiểu Dừa thuộc địa bàn huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang dài hơn 4,3 km hiện nay trong tình trạng sạt lở nặng, nhất là đang giai đoạn cao điểm mùa mưa bão thì vấn đề này càng nghiêm trọng hơn.

Chú thích ảnh
Đê biển Tây tại khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) bị sạt lở nghiêm trọng. 

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, những ngày qua do mưa to, gió Tây Nam hoạt động mạnh, sóng lớn tiếp tục gây vỡ 3 đoạn đê biển tổng chiều dài khoảng 75 m trên địa bàn xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, nước biển tràn vào phía trong đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống nhân dân trong khu vực. Hiện tại, đoạn bờ biển này có hàng chục điểm đê đã vỡ và trước nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài hàng trăm mét, gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chỉ đạo ngành chức năng và huyện An Minh xử lý khẩn cấp, khắc phục nhanh những đoạn đê biển bị sạt lở, ngăn nước biển tràn vào làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng, khẩn trương di dời những hộ dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn.

Cùng với đó là theo dõi chặt chẽ tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển và chuẩn bị ứng cứu, khắc phục nhanh theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xấu xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cùng với đơn vị chức năng triển khai nhanh dự án đầu tư xây dựng kè phá sóng, gây bồi tạo bãi đoạn Tiểu Dừa - Chủ Vàng chiều dài hơn 10 km và một số dự án khác chống sạt lở bờ biển địa bàn huyện An Minh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bnaf tỉnh diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực bờ biển sạt lở đã làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, đe dọa trực tiếp đến an toàn tuyến đê biển, các cơ sở hạ tầng, đất sản xuất và tài sản nhân dân. Sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân ven biển.

Tỉnh Kiên Giang có chiều dài bờ biển khoảng 200 km, trong đó tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm hơn 94 km, hiện tượng sạt lở bờ biển theo mùa, điều kiện thời tiết, nhất là vào mùa mưa bão sạt lở nhiều và nghiêm trọng hơn. Theo đó, nhu cầu kinh phí để thực hiện các giải pháp xử lý sạt lở bờ biển khoảng 2.187 tỷ đồng; trong đó, có nguồn vốn thực hiện 717 tỷ đồng, số còn lại chưa có nguồn.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Cà Mau xuất hiện 4 đoạn sạt lở đê biển rất nguy hiểm
Cà Mau xuất hiện 4 đoạn sạt lở đê biển rất nguy hiểm

Tỉnh Cà Mau đang xuất hiện 4 đoạn sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 5,2km; trong đó, có hơn 3.250m đê bị sạt lở nghiêm trọng, rình rập nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN