Hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cung cấp danh mục các dự án trọng điểm tới các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các chuyên gia nông nghiệp, xuất khẩu nông sản trao đổi với hội nghị những vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững với mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Đinh Xuân Diệu cho biết, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 62.000 ha; trong đó, có hơn 53.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, là lợi thế để thu hút đầu tư. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Krông Pắc ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây có thế mạnh của huyện như lúa, cà phê, sầu riêng, dược liệu, phát triển chăn nuôi trang trại gia súc gia cầm... gắn với công nghiệp chế biến.
Với tiềm năng, thế mạnh của huyện còn rất lớn nhưng chưa được đầu tư, khai thác như công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sản phẩm đông lạnh, du lịch - dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi, thương mại, đầu tư hạ tầng đô thị.., huyện chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, thu mua, xuất khẩu nông sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà huyện có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng khác biệt.
“Vì mục tiêu phát triển bền vững, huyện Krông Pắc chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, thu mua, xuất khẩu nông sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà huyện có lợi thế cạnh tranh, có tiêm năng khác biệt. Cụ thể như đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca, chăn nuôi”. Ông Đinh Xuân Diệu khẳng định.
Tại hội nghị, có 24 dự án được các nhà đầu tư ký bản ghi nhớ đầu tư với UBND huyện Krông Pắc với tổng mức đầu tư hơn 11.200 tỷ đồng; trong đó, có các dự án có thể phát huy được thế mạnh, tiềm năng của huyện Krông Pắc như dự án chế biến các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; dự án nhà máy đóng gói trái cây; du lịch sinh thái...
Ngoài ra, các chuyên gia về trồng và phát triển sản phẩm sầu riêng cũng giái đáp các thắc mắc của người trồng sầu riêng liên quan đến các vấn đề phát triển mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, xuất khẩu sầu riêng… nhằm hướng đến nền sản xuất bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng.
Theo thống kê, huyện Krông Pắc đã có gần 3.800 ha sầu riêng; trong đó, có 2.600 ha cho thu hoạch, năm 2022 với sản lượng khoảng gần 50.000 tấn, dự kiến thu về cho người nông dân khoảng 2.500 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Krông Pắc là huyện trọng điểm sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, hơn 90% diện tích sầu riêng được trồng tại huyện Krông Pắc là giống Dona, nổi tiếng thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Đến nay, đã có hơn 600 ha sầu riêng của huyện đạt tiêu chuẩn VietGAP trở lên; hơn 2.700 ha sầu riêng đã và chuẩn bị được cấp mã số vùng trồng.