Chuyển đổi cây trồng thích ứng với khô hạn

Tại các khu vực thường xảy ra khô hạn, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả tích cực trước thách thức của biến đổi khí hậu; góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Chú thích ảnh
Người dân xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, chuyển đổi đất trồng lúa vùng thiếu nước sang trồng nho tiết kiệm nước tưới. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Để duy trì sản xuất, ông Nguyễn Khắc Sang chuyển 4 sào đất lúa sang trồng đậu xanh ở cánh đồng Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn). Ông Sang cho hay, ba năm trở lại đây, do thiếu nước tưới nên bà con chuyển sang trồng đậu xanh. Vụ hè thu vừa qua, gia đình trồng 4 sào (4.000 m2) đậu xanh, năng suất đạt 1,5 tạ/sào với giá bán 25.000 đồng/kg khô. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 11 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa.

Trồng đậu xanh ít phải tốn công chăm sóc, cây có thời gian sinh trưởng ngắn từ 65 - 70 ngày, ra hoa tập trung, chín nhanh và chín đồng loạt, không tách quả nên thuận tiện thu hoạch. Trong điều kiện thiếu nước tưới như hiện nay, trồng đậu xanh đang là hướng canh tác phù hợp giúp bà con duy trì sản xuất, không phải bỏ mùa vụ - ông Sang chia sẻ.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, vụ Hè Thu vừa qua, toàn tỉnh chuyển đổi trên 424,3 ha cây trồng (vượt 32,6% so với kế hoạch); trong đó, diện tích chuyển đổi trên đất lúa gần 189,3 ha và trên đất khác 235 ha sang trồng các loại cây màu, cây họ đậu, ngô, dưa và và những cây trồng dài ngày như măng tây xanh, cây ăn quả (bưởi, đu đủ, mãng cầu, dừa)... tại huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam.

Chú thích ảnh
Trồng cây đậu phộng trên nền đất lúa ở xã Bắc Sơn (Thuận Bắc, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Cùng đó, tỉnh khuyến khích, vận động các hộ dân đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha đất sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên các loại cây như nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi.

Đồng thời, tỉnh tăng cường áp dụng kỹ thuật trồng trọt mới như xen canh cây họ đậu với cây ăn trái, cây dài ngày để tạo thảm thực vật giữ ẩm, cải tạo độ phì nhiêu của đất; sử dựng bao lưới để phòng ngừa dịch hại nguy hiểm giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch.

Ông Phan Quang Thựu - Phó Giám đốc Sở Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu, cây họ đậu, cây ăn quả... đã giúp tiết kiệm khoảng 20 - 35% lượng nước tưới; giúp hạn chế việc khai thác nước ngầm; lượng nước tiết kiệm được để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ cho vụ sản xuất tiếp theo. Cùng đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân khi không thể gieo trồng các loại cây trồng truyền thống sử dụng nhiều nước.

Tại những vùng chuyển đổi luân canh hai vụ lúa và một vụ bắp lai (đậu)/năm hoặc trồng hai vụ bắp và một vụ lúa/năm cho thu nhập tăng từ 1,1 đến 1,2 lần so với trồng ba vụ lúa liên tiếp/năm. Nếu trồng luân canh hai vụ bắp lai và một vụ đậu xanh/năm thì cho thu nhập tăng 1,6 lần so với trồng ba vụ lúa liên tục/năm. Đặc biệt, những vùng chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh trên đất cát cho năng suất bình quân đạt từ 8 đến 12 tấn/ha/năm, với giá thu mua tại chỗ hiện khoảng 50.000 đồng/kg, người trồng có lãi từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Thựu, thời gian qua, trên địa bàn đã xuất hiện mưa giông nhưng do tình trạng khô hạn kéo dài trong những tháng đầu năm nên tổng lượng nước ở 21 hồ chứa của tỉnh chỉ mới đạt khoảng 18% dung tích thiết kế. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vụ mùa 2020 Ninh Thuận tiếp tục thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng cạn, ít sử dụng nước tưới gồm cây bắp 415,7 ha, cây rau, đậu các loại 382,1 ha, 304 ha cỏ chăn nuôi, các loại cây hàng năm khác 63,2 ha.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Về lâu dài, để ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu, thời tiết khô hạn, ngành nông nghiệp xác định giải pháp để duy trì sản xuất ở những vùng thường xuyên thiếu nước tưới là đẩy mạnh triển khai chuyển đổi cơ cấu cây kết hợp tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để đảm bảo bảo đảm sinh kế cho người dân bền vững.

Ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan thực hiện khảo sát tiềm năng đất đai, khí hậu và trình độ canh tác cũng như điều kiện sản xuất của các hộ dân để lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp; từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo quy hoạch với ngành hàng có lợi thế cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường.

Ninh Thuận còn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để thay đổi tư duy sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả; có chính sách hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ dân bị thiệt hại do tác động của hạn hán; tập huấn kỹ thuật sản xuất; tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập từ hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nguyễn Thành (TTXVN)
Áp dụng kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu
Áp dụng kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Đinh Văn Chấn (Sơn La) luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trở thành điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN