Mưa to kéo dài nhiều ngày qua là điều kiện thuận lợi để nông dân tháo nước ra khỏi vuông, rửa mặn xuống giống theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.
Tại huyện Hồng Dân, một địa phương có diện tích sản xuất tôm – lúa lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với hơn 24.000 ha. Những ngày này, nông dân đang tiến hành các bước chuẩn bị. Ai cũng hào hứng bắt tay vào sản xuất vụ mùa mới, bởi vẫn còn dư âm vụ lúa trên đất tôm năm trước trúng đậm về năng suất và giá cả, đồng thời giá lúa thời điểm này cũng đang ở mức cao.
Anh Phạm Văn Kết, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân cho biết: Vụ lúa trên đất tôm năm nay, gia đình gieo sạ hơn 3ha, với giống lúa thơm như: ST24, ST25. Đây là 2 giống lúa đã chứng minh hiệu quả sản xuất những năm qua. Lúa không chỉ đẻ nhánh nhanh, cứng cây, chịu phèn mặn tốt, ít sâu bệnh, năng suất đảm bảo mà có giá trị kinh tế khá cao.
Ông Võ Minh Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân cho biết, đến nay, nông dân vùng lúa - tôm của huyện đã rửa mặn được 2 - 3 lần, cơ bản đủ điều kiện để xuống giống. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần tuân thủ xuống giống vụ lúa trên đất tôm theo lịch thời vụ.
Cùng với huyện Hồng Dân, Phước Long cũng là địa phương sản xuất tôm – lúa trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Thời điểm này, nông dân đang vận hành máy bơm tháo nước ra khỏi vuông tôm, sẵn sàng xuống giống vụ lúa. Anh Võ Văn Sơn, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long chia sẻ: tôm – lúa là mô hình sản xuất có tính bổ trợ nhau.
Nếu chỉ trồng lúa mà không nuôi tôm thì lúa không trúng, còn chỉ nuôi tôm mà không trồng lúa thì tôm nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất bền vững, anh Sơn cho rằng, nông dân phải giữ cho được mô hình tôm – lúa.
Ông Trương Phước Hiền, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Long cho biết: Năm 2023, huyện Phước Long dự kiến xuống vụ lúa trên đất tôm 14.000ha. Ở một số nới thuộc các xã Phong Thạnh Tây A, Phước Long, Vĩnh Phú Tây… nông dân đã xuống giống được gần 1000ha. Các hộ tham gia sản xuất lúa - tôm được hỗ trợ 50% lượng lúa giống và 40% vật tư nông nghiệp. Huyện Phước Long dự kiến xuống giống lúa trên đất tôm dứt điểm vào giữa tháng 10.
Tại thị xã Giá Rai, địa phương cuối nguồn nước ngọt, ngay từ đầu tháng 8/2023, phòng Kinh tế thị xã cùng Chính quyền các phường, xã khuyến cáo nông dân tháo nước ra khỏi vuông tôm, thực hiện tháo chua, mặn cho đất. Vụ lúa trên đất tôm năm nay, thị xã Giá Rai dự kiến xuống khoảng 7.000ha.
Đánh giá về mô hình tôm – lúa, các nhà khoa học, chính quyền và nông dân đều cho rằng: Đây là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, là mô hình "thông minh" tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với Quy trình GAP. Từ đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mô hình này cho thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ lúa trên đất tôm năm 2023 nhìn chung khá thuận lợi. Nước thuỷ triều từ biển Đông và Tây không dâng cao bất thường như những năm trước nên nước mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Cùng với đó, lượng mưa khá lớn nên nguồn nước ngọt dồi dào và đây là điều kiện quan trọng giúp cho việc cải tạo đồng ruộng của nông dân diễn ra thuận lợi.
Để nâng cao hiệu quả, giúp nông dân yên tâm sản xuất mô hình tôm - lúa, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sản xuất thắng lợi.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, các đơn vị trực thuộc Sở đang tổ chức các lớp tập huấn đề nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác lúa trên đất tôm, cùng với đó là tiến hành nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh nội đồng, kiểm tra và vận hành các cống giúp việc tháo nước ra khỏi đồng ruộng được thông suốt.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng chủ động làm cầu nối để nông dân thực hiện liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trong việc cung cấp các loại vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.