Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp

Ngày 26/9, UBND tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với Đoàn công tác UBND tỉnh Bắc Giang đến trao đổi kinh nghiệm về mô hình phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang tặng quà lưu niệm đến UBND tỉnh Bắc Giang.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, sau 20 năm từ khi chia tách, Hậu Giang có nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2023 đứng đầu cả nước, chỉ số PCI đứng thứ 12, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Trong nông nghiệp, số lượng và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong tỉnh được tăng lên đáng kể theo từng năm, hoạt động của hợp tác xã được đổi mới từng bước gắn được với lợi ích của thành viên hợp tác xã. Các hợp tác xã đã bước đầu mở rộng được các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, số hợp tác xã hoạt động đa dịch vụ có xu hướng tăng và hoạt động có hiệu quả hơn.

UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối để tổ chức thực hiện, theo dõi, báo cáo tình hình triển khai chính sách và thực trạng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vào đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương chủ động tổ chức mời các công ty, doanh nghiệp quy mô lớn trong và ngoài tỉnh đến tham gia hợp tác, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản cho nông dân.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực cả hai tỉnh cùng quan tâm. Hiện, tỉnh Hậu Giang đang xây dựng chuỗi giá trị cho cá thát lát đạt hiệu quả tích cực, từ kỹ thuật, giống đến chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP và tiềm năng của các sản phẩm từ cá thát lát sẽ phát triển tốt hơn nữa, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thương hiệu vươn xa hơn. Đồng thời, tỉnh rất quan tâm đến chế biến sâu nông sản; xây dựng sản phẩm OCOP; ưu tiên bố trí cán bộ nông nghiệp đến cơ sở, bám sát người nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn thời gian tới, hai tỉnh tiếp tục có sự giao lưu, trao đổi nhằm bám sát thực tiễn, học tập kinh nghiệm hay của mỗi tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang có 681 tổ hợp tác nông nghiệp, 4 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 220 hợp tác xã nông nghiệp, vốn điều lệ trên 241,3 tỷ đồng. Có 45 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản hàng hóa đầu ra; 46 hợp tác xã ứng dụng quy trình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc nông sản. Qua đó, nhiều hợp tác xã đã mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên.

Tỉnh cũng thực hiện một số chính sách để thúc đẩy, khuyến khích phát triển các sản OCOP, nhằm phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Hiện nay, tỉnh có 175 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 68 sản phẩm 4 sao, 107 sản phẩm 3 sao với 82 chủ thể tham gia.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Festival quốc tế về lúa gạo lần đầu tiên sẽ tổ chức tại Hậu Giang
Festival quốc tế về lúa gạo lần đầu tiên sẽ tổ chức tại Hậu Giang

Ngày 30/8, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hoàng Trung làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về việc chuẩn bị Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào cuối năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN