Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích bà con năng động trong phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị sản xuất, phát triển đời sống.
Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 445.000 người, chiếm trên 56% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Ma Quang Hiếu cho biết thêm, năm 2023, tỉnh hoàn thành mục tiêu đưa thêm 4 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là các xã Khâu Tinh (huyện Na Hang) và Hùng Đức, Minh Hương, Thành Long (huyện Hàm Yên); hỗ trợ nhà ở cho 673 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho gần 500 hộ. Ngoài ra, hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo điều kiện cho nhân dân giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất.
Gia đình ông Quan Văn Lường, dân tộc Tày, thôn On Cáy, xã Tân Mỹ (huyện Chiêm Hóa) là một trong những hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay vốn làm nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Nghị định 28).
Ông Quan Văn Lường chia sẻ, nhiều năm trước, cả gia đình 5 người sống trong căn nhà cũ, dột nát. Có thời điểm, nhà xuống cấp nghiêm trọng, gia đình ông thường xuyên phải đi ở nhờ. Năm 2023, qua rà soát thực hiện Nghị định 28, gia đình ông Lường được vay 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở mới. Ông vay thêm người thân, họ hàng mua sắm vật liệu xây dựng. Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng ông Lường tự xây dựng nhà. Hiện nay, ngôi nhà mới đang dần hoàn thiện những khâu cuối cùng và gia đình không còn lo cảnh chạy mưa, bão và nhà đổ sập như trước đây.
Theo ông Quan Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, xã hiện có 19 hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn tín dụng chính sách theo Nghị định 28 của Chính phủ. Ngoài ra, hàng trăm hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận nguồn tín dụng chính sách ổn định chỗ ở, chuyển đổi nghề, có thêm vốn làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã xuống còn 33,5%.
Xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên có trên 78% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa cho hay, năm 2023, thực hiện Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều công trình như: Đường bê tông vào thôn Khuổi Bò dài hơn 800m; nâng cấp nhà văn hóa các thôn Khuổi Bò và Nà Quang...
Ông Nông Văn Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Nà Quang cho biết, thôn có 91 hộ dân; trong đó gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà văn hóa thôn được xây dựng từ năm 2012, diện tích nhỏ, chưa có nhà vệ sinh và sân chơi thể thao. Năm 2023, thôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa với đầy đủ chức năng. Nhờ đó, thôn đã có không gian để tổ chức hoạt động thể thao văn hóa, đảm bảo đời sống tinh thần cho bà con.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang khẳng định, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước giao năm 2024 đối với từng dự án; đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Đồng thời, tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi tín dụng chính sách. Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay và đảm bảo giải ngân theo đúng quy định…
Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu hỗ trợ làm nhà ở cho 326 hộ đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung tường cứng, mái cứng); hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 16 hộ; chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán cho các hộ; đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đầu tư khởi công xây dựng mới 136 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó tập trung xây dựng tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng dân tộc thiểu số và miền núi…