Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức 13 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng 3, 4; 31 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 14 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai chương trình ở các cấp; tổ chức 4 đoàn (30 người/đoàn) học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức triển khai cho các đối tượng trực tiếp thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn đúng đối tượng. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng và hình thức, phương pháp tổ chức phù hợp với điều kiện, năng lực của từng nhóm đối tượng cụ thể; trong quá trình tập huấn, đào tạo phải nâng cao tính tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu tiếp thu các kiến thức cơ bản để vận dụng vào thực tiễn ở cơ sở của các đối tượng tham gia. Qua đó, trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình triển khai các dự án, tiểu dự án; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình, vận hành duy tu bảo trì công trình, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; các kỹ năng về phát triển cộng đồng; kiểm tra giám sát và báo cáo kết quả thực hiện.
Việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng và tổ chức các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm cũng giúp cộng đồng thôn, bản đặc biệt khó khăn tiếp thu những kiến thức cơ bản về tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống; giúp đội ngũ trưởng bản, chi hội đoàn thể, người dân, người có uy tín có đủ năng lực quản lý cộng đồng, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.