Tuy nhiên, sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển, đến nay việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Cao Bằng vẫn rất kém, người dân chưa mặm mà với việc trồng rừng và tiến độ trồng rừng luôn đạt rất thấp so với kế hoạch.
Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Cao Bằng sẽ trồng mới 1800ha rừng, trong đó có 300ha rừng phòng hộ, 1500ha rừng sản xuất. Tuy nhiên đến hết tháng 4, khi vụ trồng cây quan trọng nhất trong năm đã qua, cả tỉnh mới trồng được 35ha, đạt tỷ lệ chưa đến 2%. Các năm trước, tỷ lệ trồng rừng của Cao Bẵng cũng luôn đạt thấp và rất thấp.
Theo bà Hoàng Thị Duyên, Giám đốc Chi cục kiểm lâm Cao Bằng: Mặc dù tỉnh Cao Bằng có tiềm năng trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp rất lớn, nhưng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác, người dân vẫn chưa quan tâm đến việc trồng rừng và trên thực tế, tỉnh Cao Bằng vẫn còn rất ít hộ gia đình sống được bằng nghề trồng rừng. Tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư vào chế biến lâm sản (chỉ cố một số cơ sở nhỏ, chủ yếu là gỗ bóc, gỗ băm) nên giá lâm sản cũng bấp bênh, kém ổn định. Trước đây đã từng có một số doanh nghiệp thuê đất trồng rừng với diện tích lớn, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, các dự án trồng rừng lớn ở Cao Bằng đều thất bại.
Điển hình nhất là dự án của Công ty TNHH Kỹ nghệ thương mại Hà Nội, có trụ sở tại Hà Nội. Năm 2010, Công ty này được UBND tỉnh Cao Bằng ký quyết định cho thuê gần 2000 ha đất rừng, thời hạn 50 năm để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại các xã Thắng Lợi, Đồng Loan, Minh Long huyện Hạ Lang. Sau đó, công ty chỉ trồng được vài ha rồi bỏ hoang đất suốt nhiều năm khiến nhiều người xót xa vì tài nguyên đất bị bỏ hoang lãng phí.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ nghệ thương mại Hà Nội để tìm hiểu về nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp bỏ hoang đất rừng. Qua điện thoại, chúng tôi được ông Đào Mạnh Hùng cho biết, công ty đã trả lại đất cho tỉnh và ông cũng không còn là giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ thương mại Hà Nội nên không thể trả lời phỏng vấn. Như vậy, nguyên nhân khiến cho dự án trồng rừng của công ty này đổ bề vẫn còn là một ẩn số.
Về phía người dân, đang có một nghịch lý là nhiều người muốn trồng rừng nhưng lại không có, hoặc có rất ít đất. Ngược lại, rất nhiều hộ được giao hàng chục, thâm chí cả trăm ha đất nhưng lại bỏ cho cây hoang mọc dại, không trồng rừng. Thậm chí, ở một số nơi có tình trạng các dự án cấp phát cây giống cho dân, nhưng dân chỉ trồng rất ít hoặc bỏ không, cây chết, rất lãng phí.
Anh Nông Văn Vĩnh ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình cho biết, ở xã vẫn có rất nhiều người dân chưa biết trồng rừng, chưa biết đến hiệu quả kinh tế của trồng rừng. Người ta chỉ thích đi làm những công việc có tiền ngay. Chính vì thế năm trước, khi được cấp phát giống cây quế, nhiều gia đình mang về vứt đó không trồng, khiến cho cây chết héo.
Nói về nghịch lý này, bà Hoàng Thị Duyên cho biết: Ở những vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, dân cư thưa thớt, diện tích đất rộng nên có hộ được giao quản lý rất nhiều đất rừng. Trong khi những vùng gần trung tâm, giao thông thuận lợi thì được giao ít hơn. Ngày nay, vì đã giao đất cho dân, nên không thể đòi lại được và những diện tích đất này đang bị bỏ hoang gây lãng phí. Mà doanh nghiệp muốn thuê diện tích lớn để trồng rừng cũng không có.
Bên cạnh đó, hiện nay khu vực nông thôn của Cao Bằng cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khi nhiều người trong độ tuổi lao động đổ ra thành phố làm công nhân trong các khu công nghiệp khiến cho việc trồng rừng càng khó khăn hơn.
Để khắc phục những khó khăn trên, ngành nông nghiệp Cao Bằng đang tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đề ra những chính sách thiết thực, hữu ích khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, khuyến khích thành lập các hợp tác xã trồng rừng, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ có đất rừng. Quan trọng hơn, tỉnh cần tìm ra những loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời xây dựng những mô hình phát triển kinh tế rừng tiêu biểu cho thấy hiệu quả làm giàu từ rừng để người dân quan tâm, học hỏi, tạo thành phong trào trồng rừng sản xuất mạnh.