Phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập cho người dân

Với hàng nghìn ha đất lâm nghiệp và rừng sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, giao thông thuận lợi, tỉnh Ninh Bình có thế mạnh để phát triển kinh tế rừng, qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng thu cho ngân sách.

Chú thích ảnh
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Bên cạnh việc phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được các cấp các ngành tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm. Với cách làm sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia công tác bảo vệ rừng, tỉnh Ninh Bình luôn duy trì được diện tích rừng ổn định và phát triển theo từng năm.

Tạo hệ sinh thái đa dạng bền vững

Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 30.400 ha diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm trên 60%, độ che phủ của rừng chiếm gần 20% đất tự nhiên. Rừng của địa phương đã tạo nên hệ sinh thái đa dạng mang tính bền vững. Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, các cấp chính quyền ở tỉnh Ninh Bình đã chủ động thực hiện tốt việc giao rừng cho người dân, vừa góp phần bảo vệ rừng vừa mang lại kinh tế giúp người dân yên tâm sản xuất.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân được quan tâm. Cùng với bảo vệ rừng, việc trồng mới rừng tại các địa phương ở Ninh Bình được thực hiện đúng kế hoạch và có chất lượng. Trên cơ sở công tác tuyên truyền, vận động người dân, các huyện, thành phố hàng năm đều chủ động xây dựng kế hoạch trồng mới và khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm giống cây trồng, phương tiện, lực lượng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình cho biết, rừng có vai trò và giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Ngoài các giá trị phòng hộ, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, rừng là nguồn tài nguyên quý để phát triển lĩnh vực trang trại, du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, đi đôi với hoàn thiện bộ máy hoạt động của đơn vị, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình chú trọng xây dựng lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng. Hiện, trên 20 Ban lâm nghiệp xã đã được thành lập với trên 40 nhân viên bảo vệ rừng, hàng chục tổ đội quần chúng bảo vệ rừng cũng được thành lập. 100% các thôn, bản có rừng đã xây dựng thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Cùng với đó, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn còn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp chính quyền cơ sở và các chủ rừng triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; rà soát khoanh vùng trọng điểm cháy; hoàn thiện xây dựng hệ thống đường băng cản lửa phòng cháy rừng tại các khu rừng dễ cháy; cấp phát nhiều dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng theo cấp độ, thường trực 24/24 giờ đối với những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có hai vụ vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng tại gốc và một vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu trên 2.600 m3 gỗ Gù hương và một khẩu súng hơi với mức xử phạt trên 34 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2019, địa phương đã trồng trên 518.000 cây phân tán các loại và 232 ha diện tích rừng trồng lại sau khai thác.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra quản lý công chức, công vụ nhất là trong hoạt động của kiểm lâm địa bàn. Đơn vị phối hợp với lực lượng Cảnh sát trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quản lý và phát triển rừng; kiểm tra thường xuyên, định kỳ các cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản; quản lý nguồn gốc và tiêu thụ lâm sản, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã theo quy định.

Điểm sáng trong công tác trồng và bảo vệ rừng

Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là gần 18.000 ha, chiếm 3/5 diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh, phân bố rộng trên 17/27 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã vùng cao là vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương.

Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, giảm thiểu hiểm họa cháy rừng có thể xảy ra, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Nho Quan đã tích cực tham mưu cho UBND huyện triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, nhất là triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tổ chức kinh tế và các hộ gia đình trên địa bàn huyện làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, 100% diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã có chủ, có sự quản lý của Nhà nước.

Để đạt kết quả trên, Hạt Kiểm lâm Nho Quan đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các xã có rừng tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, từ năm 2003 đến nay, Hạt đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, tịch thu hàng nghìn m3 gỗ các loại, nhiều trọng điểm phá rừng nghiêm trọng như Làng Lão (xã Kỳ Phú), Khu Ao Lươn (xã Cúc Phương) đã được xóa bỏ. Nhiều tụ điểm vận chuyển, buôn bán gỗ củi trái phép trên tuyến đường sông như Đồi Lồng, Bến Ráy… đã được ngăn chặn; tình trạng vận chuyển buôn bán lâm sản trên tuyến sông Hoàng Long, trên các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện đã được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Bùi Đình Liên, chủ rừng tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Qua tuyên truyền của chính quyền và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, đến nay, không chỉ chủ rừng như chúng tôi mà người dân trong thôn, xã đã nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng bởi rừng chính là sinh kế của bà con”.

Với phương châm "phòng là chính", Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng như công an, quân đội triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Việc đốt nương làm rẫy của người dân được kiểm soát nghiêm ngặt, các biện pháp an toàn lửa rừng đã được bà con nông dân thực hiện tốt; duy trì chế độ dự báo, cảnh báo các nguy cơ xảy ra cháy rừng; thường xuyên phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong những ngày nắng nóng.

Nhiều năm qua, số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Nho Quan đã giảm rõ rệt. Nhiều vùng trọng điểm cháy rừng đến nay không còn xảy ra như: khu đồi Ba Ngả (xã Quỳnh Lưu), khu Quảng Mào (xã Thạch Bình), khu rừng thông khu vực hồ Đồng Liềm, hồ Đồng Chương… Hiện tại, diện tích rừng của huyện đã và đang được bảo vệ tốt, độ che phủ của rừng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh Ninh Bình nói chung.

Hải Yến (TTXVN)
Hiệu quả của công tác tuyên truyền trong việc quản lý, bảo vệ rừng
Hiệu quả của công tác tuyên truyền trong việc quản lý, bảo vệ rừng

Nhiều năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét cho người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhờ nguồn tiền từ chính sách trên mà cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân thiểu số đang đổi thay từng ngày. Cùng với đó, những mảng xanh đang ngày một sinh sôi. Để có được thành quả này, những người làm công tác tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã không ngừng sáng tạo trong công tác tuyên truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN